Loay hoay xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề


Không thể phủ nhận vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của làng nghề tại các địa phương như: giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên, sự phát triển thiếu kiểm soát của các làng nghề cũng gây ra một số tác động tiêu cực tới môi trường sống. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, địa phương có nhiều làng nghề nhất trong cả nước, đã có đến gần nửa số đó là ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phần còn lại cũng không thoát khỏi ô nhiễm; đặc biệt, chỉ có số ít làng nghề không ô nhiễm.

Tình làng nghĩa xóm sứt mẻ vì ô nhiễm môi trường

Những đôi chân đen nhẻm được cho là do khói bụi từ làng nghề ép gỗ Hữu Bằng thổi sang. Vì là làng nghề gỗ ép nên phải dùng lò đốt, chính vì thế hàng chục ống khói thi nhau thải ra cả đêm lẫn ngày. Nguyên nhân ốm đau bệnh tật của người trong làng Phùng Xá cũng được cho là do khói bụi từ làng nghề ếp gỗ bên cạnh mà ra.

Việc ô nhiễm làng nghề khiến tình làng nghĩa xóm bị sứt mẻ

Phùng Xá cũng là làng nghề sản xuất kim khí đã nhiều đời nay, không có hệ thống xử lý phế thải, tuy nhiên người dân trong làng mặc nhiên việc sản xuất của mình không hề gây ô nhiễm. Người Phùng Xá bảo vậy nhưng người dân Hữu Bằng sống bên cạnh bảo không. Người dân Hữu Bằng cho rằng, chính nước thải của làng nghề Phùng Xá đã gây ô nhiễm nguồn nước ngầm trong toàn khu vực.

Trong làng của nhau thì bảo vệ, khác làng lại chỉ trích. Hai làng nghề tiếp giáp nhau, đi chung một con đường. Và chính tại ngã 3, từng chứng kiến cảnh xô xát đến đổ máu vì mâu thuẫn đôi bên. Sứt mẻ tình làng nghĩa xóm vì ô nhiễm và hẳn khó hàn gắn khi vấn đề môi trường chưa giải quyết. Vết rạn nứt giữa hai làng ắt sẽ vẫn tồn tại.

Hà Nội triển khai nhiều dự án xử lý ô nhiễm làng nghề

Môi trường ô nhiễm, dẫn đến sự xung đột trong đời sống của người dân. Vì vậy, để tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành, chính quyền các cấp phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, cụ thể: 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề được xử lý; 100% cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải; 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường. 

100% quả là con số đáng mơ ước. Tuy nhiên cần phải làm gì để hoàn thành chỉ tiêu lại là bài toán khó.

Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề, từ nhiều năm nay, TP Hà Nội đã đầu tư nhiều dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, với công suất khiêm tốn như hiện nay, các nhà máy này chỉ đáp ứng xử lý được một phần ô nhiễm nước thải từ làng nghề. Bên cạnh đó, tại một số huyện ngoại thành, tiến độ thi công các công trình xử lý ô nhiễm môi trường còn chậm trễ. Hiện Hà Nội cũng đang tiến hành kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải và rác thải từ làng nghề, với số vốn dự kiến hơn 9.000 tỷ đồng. Đây cũng là động thái nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc theo đúng mục tiêu đặt ra, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề đang rất nóng hiện nay.

Làng xử lý rác nhưng lại tạo ra… rác

Về tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, Sở Công Thương TP Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ: Các làng nghề càng phát triển, tình trạng ô nhiễm càng gia tăng, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái và đời sống của cư dân làng nghề. Hầu hết các làng nghề mới chỉ tổ chức thu gom mà chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom xử lý chất thải rắn mà thải thẳng ra môi trường. Câu chuyện xử lý ô nhiễm cứ thế loay hoay, làng xử lý rác nhưng lại tạo ra rác của xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là một ví dụ như vậy.

Nhà không còn chỗ thì lại mang ra đường, thậm chí tràn cả xuống cả bờ sông. Cứ như vậy, thay vì làng xử lý phế thải, nay lại tạo ra rác. Mỗi ngày hàng trăm hộ tái chế phế liệu của xã Quảng Phú Cầu đã thải ra môi trường nhiều tấn rác thải các loại.

Trước đây, đã từng có doanh nghiệp tham gia thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải nhưng không đạt kết quả nên đã dừng hoạt động, để lại khoảng 150 tấn rác thải không thể tái chế. Mặc dù hiện tại xã đã bố trí khu vực tập kết rác rộng khoảng 1.800m2 và tìm đơn vị thu gom rác khác để thay thế nhưng đó mới chỉ là giải pháp tạm thời.

Theo quy hoạch, cụm công nghiệp làng nghề sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ giải phóng xong mặt bằng. Nếu không có giải pháp bền vững, hàng tấn rác sẽ lại phát sinh mỗi ngày tại chính làng tái chế rác.

Nguồn: vtv.vn