Giảm khai thác, tăng nuôi trồng, bảo tồn để ngành thủy sản phát triển bền vững

Sáng 10-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến Giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu thủy sản khai thác (chưa tính thủy sản nuôi trồng) năm 2020 cả nước đạt 3,435 tỷ USD, tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 (khai thác lẫn nuôi trồng) tổng kim ngạch đạt 3,27 tỷ USD, cụ thể tôm 1,337 tỷ USD, cá tra 623,7 triệu USD, cá ngừ 292,5 triệu USD, mực và bạch tuộc 212,4 triệu USD, nhuyễn thể hai mảnh vỏ 48,8 triệu USD, nhuyễn thể khác 5,2 triệu USD, cua ghẹ 54,3 triệu USD, cá biển khác 697,9 triệu USD…

Toàn cảnh hội nghị sáng ngày 10-6 tại điểm cầu Hà Nội

Ngành chế biến thủy sản hiện nay đã phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, nước ta có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, EU và các thị trường khó tính khác. Ngoài ra, có 3.000 cơ sở chế biến quy mô nhỏ tại các làng nghề truyền thống phơi khô, làm mắm, đông lạnh, đồ hộp. Các sản phẩm thủy sản chế biến của Việt Nam đã có mặt tại hơn 176 thị trường trên thế giới với đầy đủ các chủng loại sản phẩm hết sức phong phú: Thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, đồ hộp, trong đó nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, đáp ứng được những thị trường khó tính trên thế giới: Mỹ, EU, Nhật Bản.

Nuôi thủy sản trên vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Ngoài định hướng chế biến, tiêu thụ những năm gần đây, trước tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho xuất khẩu, lưu thông khó khăn, ngành thủy sản đã chứng kiến nhu cầu chế biến, tiêu thụ nội địa các mặt hàng thủy hải sản tăng mạnh, đặc biệt các sản phẩm tươi sống, đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu thực phẩm sạch trong nước, cung cấp nguồn dinh dưỡng chất lượng cho người dân. Giúp ngư dân thay đổi thói quen khai thác, quan tâm đến khâu bảo quản và rút ngắn ngày khai thác để có sản phẩm tươi ngon phục vụ thị trường nội địa.

Trên cơ sở kế hoạch tăng trưởng của ngành thủy sản, tổng sản lượng thủy sản đảm bảo duy trì ổn định, trong đó điều chỉnh giảm dần sản lượng thủy sản khai thác, tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng. Tổng sản lượng thủy sản 8,5 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,61 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 4,9 triệu tấn, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 8,6 tỷ USD.

Trao đổi với các phóng viên cơ quan báo chí bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Để ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục giảm khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ, vùng lộng, tăng cường nuôi trồng thủy sản (nuôi biển), tập trung vào các khâu bảo quản, chế biến, giảm tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch để nâng chất lượng thủy sản và gia tăng giá trị.

Nguồn: qdnv.vn