Đa dạng sinh học cho các HTX Lâm nghiệp sẽ chống biến đổi khí hậu, giảm nghèo cho thành viên hợp tác xã


(ĐCSVN) – Sự hỗ trợ từ Quỹ Khu vực Đa dạng sinh học cho các HTX Lâm nghiệp sẽ tạo ra những khu rừng gỗ lớn, qua đó vừa chống biến đổi khí hậu, giảm thiên tai vừa tăng thu nhập, giảm đói nghèo cho thành viên HTX.

Ngày 26/4, tại trụ sở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ Môi trường, Lương thực và các Vấn đề Nông thôn của Vương quốc Anh (Defra), do Bà Tamsin Ballard, Phó Giám đốc về Chiến lược Quốc tế và Hỗ trợ Phát triển Chính thức, Defra làm trưởng đoàn.

  Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ Môi trường, Lương thực và các Vấn đề Nông thôn của Vương quốc Anh (Defra). Ảnh: PV

Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số Ban, đơn vị trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; lãnh đạo Bộ Môi trường, Lương thực và các Vấn đề Nông thôn của Vương quốc Anh; cùng các cán bộ của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Campuchia.

Ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bày tỏ vui mừng khi được tiếp đón và làm việc với đoàn công tác của Bộ Môi trường, Lương thực và các Vấn đề Nông thôn của Vương quốc Anh; đồng thời có những giới thiệu khái quát về tình hình kinh tế tập thể, HTX tại Việt Nam.

Theo đó, tính đến hết năm 2021, Việt Nam có 27.394 HTX, trong đó có 18.146 HTX nông nghiệp, 8.067 HTX phi nông nghiệp, 1.181 Quỹ Tín dụng nhân dân; 108 Liên hiệp HTX và 119.710 Tổ hợp tác. Khu vực kinh tế tập thể, HTX tại Việt Nam thu hút gần 7 triệu thành viên tham gia, trong đó chủ yếu là đại diện hộ gia đình ở khu vực nông thôn, tác động đến hơn 30 triệu người dân ở cả thành thị và nông thôn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.

Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam – là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX; làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể.

Dịp này, bà Tamsin Ballard, Phó Giám đốc về Chiến lược Quốc tế và Hỗ trợ Phát triển Chính thức, Defra chia sẻ một số phương hướng và các thách thức trong phát triển nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường; đa dạng sinh học của Việt Nam. Bà Tamsin Ballard mong muốn thông qua buổi làm việc, hai bên cùng nhau trao đổi về Quỹ Khu vực Đa dạng Sinh học (gọi tắt là BLF) và tìm hiểu khả năng hợp tác thông qua Quỹ.

 Mô hình HTX Lâm nghiệp tại Việt Nam (Ảnh: PV)

Theo giới thiệu của Defra, Quỹ Khu vực Đa dạng Sinh học, trị giá 100 triệu bảng Anh của Bộ Môi trường, Lương thực và Các vấn đề Nông thôn của Chính phủ Vương quốc Anh được Thủ tướng Vương quốc Anh công bố tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm 2019, là một chương trình tham vọng sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực về bảo tồn, giảm nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu tại những khu vực có vai trò quan trọng với đa dạng sinh học khắp nơi trên toàn thế giới.

Quỹ Khu vực Đa dạng Sinh học mang mục đích xóa đói giảm nghèo, tạo ra sự phát triển kinh tế bền vững cho các cộng đồng đang sinh sống. Quỹ cũng sẽ bảo vệ, phục hồi khu vực đa dạng sinh học một cách lâu dài thông qua những ứng dụng các biện pháp quản lý bền vững, nâng cao chất lượng của các hệ sinh thái và bảo vệ đa dạng sinh học. Bảo vệ môi trường sống sẽ giúp ứng phó với biến đổi khí hậu. Bằng cách bảo tồn các “bể chứa carbon” và các dịch vụ quan trọng liên quan đến hệ sinh thái, Quỹ sẽ giúp giải quyết các nguyên nhân dẫn đến suy thoái về môi trường và hỗ trợ các quốc gia, các địa phương, các cơ quan quản lý và cộng đồng để cùng nhau thực hiện việc điều phối, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và lâu dài.

Với dãy núi Trường Sơn, trải dài qua Việt Nam, Lào và Campuchia, vùng sinh thái này là một phần thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, một trong mười điểm nóng về đa dạng sinh học hàng đầu thế giới và thuộc top năm điểm nóng đang bị đe dọa hàng đầu. Được đánh giá là khu bảo tồn cuối cùng của nhiều loài đặc hữu bao gồm tê giác Java và voi châu Á, khu vực này phải đối mặt với những mối đe dọa bao gồm cả tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, khu vực này cũng nắm giữ các cơ hội xây dựng được đồng lợi ích tạo nên khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu thông qua việc bảo tồn các khu rừng bản địa. Do đó, khu vực này được công nhận là một trong những khu vực ưu tiên của Quỹ. Quỹ sẽ làm việc với Chính phủ Việt Nam, Lào và Campuchia để có được sự hỗ trợ cần thiết.

Trao đổi tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Lê Văn Nghị chia sẻ khả năng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực lâm nghiệp. “Sự hỗ trợ từ Quỹ Khu vực Đa dạng sinh học cho các HTX Lâm nghiệp sẽ tạo ra những khu rừng gỗ lớn, qua đó vừa chống biến đổi khí hậu, giảm thiên tai vừa tăng thu nhập, giảm đói nghèo cho thành viên HTX” – ông Lê Văn Nghị nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị hai cơ quan sẽ cử các đầu mối phối hợp để cùng triển khai các đầu công việc đồng thời hi vọng hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung để sớm có được những thỏa thuận, hợp tác hỗ trợ từ Quỹ trong thời gian tới đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Nguồn: Dangcongsan.vn