Đây là 9 chữ vàng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ưu ái dành tặng gốm Chu Đậu. Mang nặng văn hóa thuần Việt với những đặc trưng tinh xảo, sau gần ba thế kỷ bị vùi sâu trong lòng đất, gốm Chu Đậu đã được khai phá và hồi sinh rực rỡ.
Chu Đậu là một trong những cái nôi của nghề gốm Việt Nam. Thôn Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Chu là thuyền, Đậu là bến. Chu Đậu là thuyền đậu bên bến sông. Bao nhiêu đời nay trong trí nhớ của những người còn sống, Chu Đậu là làng quê nhỏ, hiền hòa, nằm nép mình bên dòng sông Thái Bình. Đến khi xuất hiện những dấu vết về một trung tâm gốm phát triển rực rỡ nhiều thế kỷ trước tại chính địa danh này, Chu Đậu đã trở thành mảnh đất ấp ủ trong lòng nó một mỏ vàng quý giá, đó là lưu truyền về một dòng gốm bác học đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật nổi tiếng bậc nhất trên thế giới thời bấy giờ.
Theo các nhà sử học, di tích làng gốm Chu Đậu bắt đầu tàn lụi vào sau thế kỷ thứ 15, 16. Đây là khu vực cuộc nội chiến Lê- Mạc diễn ra ác liệt nhất. Không những nông dân, những người thợ thủ công cũng chịu mức thuế quá nặng nề để cung ứng cho cuộc nội chiến kéo dài 60 năm với kết thúc là sự thất bại của nhà Mạc. Vào thời của Lê Trung hưng sau đó, đã từng thấy có nhiều văn bản, bia ký có niên hiệu nhà Mạc bị đục bỏ. Gốm Chu Đậu với các niên hiệu của một thời được coi là nguỵ triều cũng không ngoại lệ. Chỉ có sự triệt phá nhằm xóa bỏ mọi dấu tích của kẻ thù mới có thể làm cho một trung tâm sản xuất lâu đời và phát triển rực rỡ như vậy bị mất đi trong lịch sử.
Sự kiện đặc biệt ghi dấu sự trở lại của dòng gốm nổi tiếng một thời, đó là bức thư của Tùy viên văn hóa Nhật Bản Makoto Anabuki gửi tỉnh ủy Hải Dương nhờ thẩm định nguồn gốc chiếc bình gốm cổ lưu giữ tại Viện Bảo tàng Topkapi Saray (Istambul- Thổ Nhĩ Kỳ). Bình dáng hình củ tỏi, cao 54 cm, được trang trí hoa sen và cúc dây. Trên vai bình có ghi 13 chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi thị hý bút”, nghĩa là “Năm Thái Hòa thứ tám (1450), thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ chơi”.
Cho đến năm 1992, khi trục vớt con tàu đắm tại vùng biển Cù lao Chàm, các nhà khoa học đã tìm ra gần 40 vạn gốm cổ vật nằm sâu dưới đáy biển được định giá rất cao. Gốm Chu Đậu đã đi một hành trình dài âm thầm hàng trăm năm để cuối cùng đã được phát hiện và hồi sinh.
Phương pháp chế tạo gốm Chu Đậu cổ đã đạt trình độ rất cao, chuốt dáng, tạo hình bằng bàn xoay, dùng khuôn, lắp ghép, kế thừa nét thanh thóat của gốm thời Lý và vóc dáng chắc khỏe của gốm thời Trần. Khác với nét gốm Bát tràng, vốn dĩ cũng xuất phát từ một chi của gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng men trắng, hoa xanh, họa tiết có sự giao thoa của các nền văn hóa Ðông – Tây. Còn gốm Chu Ðậu là gốm đạo, gốm bác học, men trắng, hoa lam, hoa văn, họa tiết thuần Việt in đậm dấu ấn trên mình những giá trị nhân văn của Phật giáo, Nho giáo.
Trang trí gốm rất phong phú, từ đắp nổi, khắc chìm, vẽ công phu, phóng bút và thần bút thật phóng khóang và điêu luyện nhưng luôn được đặt trong một chuẩn mực nghiêm ngặt về thẩm mỹ. Màu vẽ dưới men chủ yếu là Oxy cở bản, phủ ngoài men tro và ngọc chảy đọng hoặc nét khắc tô nâu nền men trắng đục mờ. Người thợ vẽ xưa đã phản ánh sinh động khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống dân giã của người Việt, hoa sen, hoa cúc, hình lá chuối, vịt trời bay trên sông, chích chòe tìm sâu trong vườn, những nét vẻ sóng nước hình thang tạo hình như vương miện vua Hùng đính những lông chim lạc việt trên những bình tỳ bà, những ấm rồng, lư hương thể hiện vẻ đẹp thuần khiết Việt Nam không lẫn với những tích cổ hay cảnh vật nước ngoài.
Sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là chiếc bình Hoa Lam và bình Tỳ Bà còn được gọi là bình cha, bình mẹ. Bình tỳ bà mang dáng hình cây đàn tỳ bà đại diện cho tính âm, đất mẹ hiện thân cho người phụ nữ Việt Nam dịu dàng hiền thục nết na. Bình hoa lam thể hiện cho tính dương là người chồng, là cha, là trụ cột là nền tảng.
Theo quan điểm của người xưa, nói đến các vật phẩm bằng gốm là nói đến sự kết hợp hài hòa của năm yếu tố, kim, mộc thủy hỏa thổ. Kim loại có trong xương và men gốm tạo ra vẻ đẹp và sự huyền bí của màu sắc. Lửa là tác nhân của sự bền chắc trong xương gốm, sự sáng trong quyến rũ của áo gốm. Nước hợp với đất tạo dáng cho gốm. Ngọn lửa là cha tạo ra phẩm chất sắc thái của gốm, đất là mẹ tạo ra xuơng thịt cho gốm. Người ta nói, người là tinh hoa của trời, gốm là tinh hoa của đất. Nên nói đến gốm phải nói đến đất. Điều quan trọng đầu tiên để hình thành nên các lò gốm là nguồn đất sét làm gốm. Đất làm ra gốm Chu Đậu được khai thác ở một nơi đặc biệt tại vùng đất thiêng Chí Linh.
Trời đất đã phú cho vùng đất nơi đây một nguyên liệu quý giá để làm gốm. Đó là trầm tích được lắng đọng nhiều nghìn năm ở nơi giao nhau của sáu con sông, hay còn gọi là Lục đầu giang. Trầm tích của lục đầu giang là đất sét trắng, khác với các loại đất hóa thạch. Tầng đất sét quý giá này rất mỏng, thường chỉ vài mét, bỏ qua các lớp đất bề mặt, lớp đất cát đào xuống sâu mới khai thác được. Các nhà khoa học khẳng định đó là đất quý hiếm, ít tạp chất nhiều khóang chất. Đất sét này có độ dẻo cao, khó tan trong nước ,hạt mịn, màu trắng sáng. Đất nguyên thủy, sau khi khai thác xong phải được xử lý theo một quy trình nghiêm ngặt theo phương pháp truyền thống qua bốn công đoạn.
Đầu tiên, đất được đưa vào bể giã. Ở bể này, đất sét thô được ngâm lâu trong nước đến khi đất nát ra, gọi theo cách dân gian là đất đã chín. Đất được đánh đều cho đến khi thành một hỗn hợp lỏng. Hỗn hợp lỏng trong bể giã được tháo xuống bể thứ hai gọi là bể lắng. Tại đây đất sét bắt đầu lắng xuống, một số tạp chất nhất là các chất hữu cơ nổi lên, sỏi đá nặng lắng xuống phía dưới lại được thải bỏ để lấy phần ở giữa. Sau đó, đất được đưa sang bể thứ ba gọi là bể lọc để lấy được phần mịn nhất rồi sau đó chuyển sang bể thứ tư là bể ủ. Tại bể ủ, oxit sắt và các tạp chất khác bị khử. Công đoạn cuối cùng, thời gian ủ càng lâu càng tốt.
Sau gần bốn thế kỷ bị mai một, làng gốm Chu Đậu đang dần hồi sinh. Ngoài bán trong nước, gốm Chu Đậu được xuất khẩu đến nhiều thị trường khác ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á… Đặc biệt, gốm Chu Đậu có mặt tại gần 50 bảo tàng trên thế giới, trong đó có những sản phẩm được định giá lên tới hàng triệu đô-la. Ở đâu gốm Chu Đậu cũng làm mê mẩn lòng người bởi hình dáng, lớp men và hoa văn độc đáo.
Với những nỗ lực không mệt mỏi nhằm hồi sinh gốm Chu Đậu của các nhà khảo cổ học, các nhà khoa học, những nghệ nhân họa sỹ, hy vọng những sản phẩm gốm Chu đậu ngày nay sẽ tìm lại một thời vàng son đã qua cho làng gốm Chu Đậu để không ai, không điều gì nơi đây bị quên lãng./.
Nguồn: vietnamtourism