Nghề làm muối tại Bạc Liêu những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí đầu tư tăng đến chóng mặt, cùng đó là những tác động bất lợi của thời tiết đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của diêm dân. Làm muối tại Bạc Liêu thường bắt đầu từ tháng 10 hằng năm kéo dài đến tháng 4 năm sau. Đến thời điểm cuối năm, thường là giai đoạn diêm dân đã hoàn tất các bước chuẩn bị cho nước vào ruộng để phơi, lấy muối. Thế nhưng năm nay, do vẫn còn mưa trái mùa nên diêm dân chưa dám mạo hiểm cải tạo đồng muối.
Nghề muối phụ thuộc vào thời tiết
Trên đồng muối xã Điền Hải, huyện Đông Hải, những ngày này, bầu không khí khá tĩnh lặng.
Đã bước vào vụ sản xuất nhưng hầu như không thấy bóng dáng của diêm dân ra đồng
Lý giải về điều này, ông Huỳnh Văn Thời, diêm dân xã Điền Hải, huyện Đông Hải, cho biết do xuất hiện những cơn mưa trái mùa nên diêm dân chưa mạnh dạn ra đồng cải tạo đất để bắt tay vào vụ sản xuất muối mới.
Ông Huỳnh Văn Thời là một trong nhiều gia đình có nhiều thế hệ tiếp nối làm muối. Bản thân ông đã có hơn 60 năm gắn bó với hạt muối quê hương.
Nói về nghề làm muối, ông Thời cho biết chưa bao giờ nghề này lại rơi vào tình cảnh bấp bênh như hai năm trở lại đây.
Nghề làm muối tại Bạc Liêu phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Sản xuất mà gặp phải mưa trái mùa thì xem như thất bát, của tiền tan theo muối.
Những năm gần đây, với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, nhiều diêm dân đã áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong sản xuất muối nhằm nâng cao chất lượng hạt muối và tăng năng suất thu hoạch bằng phương pháp trải bạt.
Tuy vậy, hiệu quả áp dụng khoa học công nghệ chỉ mới dừng lại ở sự gia tăng năng suất và giá trị hạt muối chứ chưa phát huy hiệu quả trước diễn biến bất lợi của thời tiết.
Mặc dù có ứng dụng khoa học kỹ thuật trong một số khâu trong sản xuất, nhưng nhìn chung nghề muối tại Bạc Liêu hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công: phơi nắng.
Do đó sản xuất muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết, số ngày nắng và mưa trong năm nhiều hay ít là điều kiện quyết định đến sản lượng, chất lượng muối.
Thêm vào đó, trải bạt sản xuất muối trắng là hướng đi đúng để phát triển bền vững nghề muối.
Ai cũng biết sản xuất muối trắng là tốt nhưng vốn đầu tư trải bạt quá lớn, trong khi đa phần diêm dân đều nghèo nên không đầu tư được.
“Như ở vụ mùa 2020-2021, diện tích sản xuất theo phương pháp trải bạt trên sân kết tinh là hơn 100ha, chỉ chiếm 7% tổng diện tích sản xuất muối,” ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải, địa phương có diện tích sản xuất lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu, cho biết.
Bảo tồn và phát triển nghề muối
Nghề làm muối ở Bạc Liêu đã tồn tại trên 100 năm, từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài nước, được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
Mặc dù vậy, diện tích sản xuất muối đang ngày càng bị thu hẹp, bà con diêm dân cũng rời bỏ đồng muối mà đi làm việc khác do không trụ được với nghề.
Nếu như năm 2011, tỉnh Bạc Liêu có hơn 3.000ha đất sản xuất muối, khoảng 1.300 hộ trực tiếp làm muối thì đến năm 2015 giảm xuống chỉ còn hơn 2.600ha và đến năm 2021 chỉ còn 1.470ha.
Chủ trương của tỉnh Bạc Liêu là phải giữ cho được nghề muối truyền thống, điều đó đã được thể hiện bằng việc phê duyệt Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Bạc Liêu hướng đến mục tiêu là duy trì diện tích sản xuất muối của tỉnh đến năm 2025 là 1.500ha, sản lượng muối đạt 55.000 tấn/năm; cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối, nhất là hệ thống thủy lợi; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến muối, tăng năng suất tối thiểu 20%, nâng cao giá trị các sản phẩm muối ít nhất là 20% so với hiện nay là mục tiêu đã được đề ra.
Tỉnh sẽ xây dựng và phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.
Để phát triển ngành muối theo hướng này, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con diêm dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu triển khai thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối giai đoạn 2021-2025 tại đồng muối Đông Hải, huyện Đông Hải, với tổng nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng.
Tỉnh sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tạo thuận lợi trong trong việc sản xuất, lưu thông, nâng cao chất lượng muối và thu nhập cho người làm muối.
Dự án cũng xây dựng 15km đường giao thông và 4 cây cầu, phục vụ cho diện tích sản xuất muối hơn 1.000ha.
Cùng với đầu tư cho sản suất muối, việc chế biến xuất khẩu cũng được quan tâm, bởi đây là khâu quyết định giá trị hạt muối, giúp diêm dân có thu nhập tốt.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có 2 nhà máy chế biến muối với tổng công suất thiết kế 36.750 tấn/năm. Nhằm nâng cao giá trị hạt muối, muối Bạc Liêu đã được các doanh nghiệp trong tỉnh chế biến thành nhiều sản phẩm, như muối tinh sấy, muối chất lượng cao, muối xay, muối hạt các loại; muối iốt; muối gia vị…
Một số sản phẩm chất lượng cao đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… và cung cấp cho hơn 300 cửa hàng siêu thị từ Bắc vào Nam của các hệ thống siêu thị Big C, Coopmart, Satra, Lotte, Vinmart…
Tuy nhiên, mỗi năm, 2 doanh nghiệp này tiêu thụ chỉ khoảng 10% sản lượng muối của toàn tỉnh.
Trở lại với vụ sản xuất muối năm nay, thời điểm này muối có giá từ 3.200-3.400 đồng/kg, cao hơn nhiều so với mức giá 1.400-1.500 đồng/kg ở thời điểm thu hoạch của năm trước, nhưng diêm dân lại không có muối bán.
“Nếu như thời tiết cứ tiếp tục biến đổi thất thường, diêm dân khó có thể bám trụ với nghề truyền thống của ông cha,” ông Lý Huỳnh Hương, người gần cả đời gắn bó với nghề muối ở xã Điền Hải, huyện Đông Hải than thở./.
Nguồn: Tuấn Kiệt (TTXVN/Vietnam+)