Nhằm hạn chế, giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa từ sản xuất nông nghiệp và phòng, tránh tác hại của chất thải nhựa từ sản xuất nông nghiệp, ngày 23/11 tại Thái Bình, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT Thái Bình đã tổ chức lễ mít tinh với chủ đề “Tuyên truyền về giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp”.
Sản xuất nông nghiệp trong những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, mở rộng sản xuất, áp dụng công nghệ cao, hữu cơ, thân thiện với môi trường, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng đã để lại những tác động không nhỏ môi trường, tạo ra các chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa. Theo Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia năm 2020, ước tính có hơn 438.000kg bao gói, chai đựng thuốc BVTV được thu gom, trong đó tỷ lệ tiêu hủy chiếm 79%.
Trong thời gian qua, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được triển khai tại nhiều địa phương và đạt được kết quả khả quan. Trong đó, Thái Bình là tỉnh tiên phong và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Một số mô hình như “Cánh đồng sạch – thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật”; “Phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình”; “Hạn chế sử dụng túi nilon”… đã thu hút được sự tham gia của người dân địa phương và đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Trong đó, huyện Quỳnh Phụ là địa phương điển hình trong việc tham gia các phong trào trên.
“UBND xã Quỳnh Hải đã và đang triển khai thực hiện, sáng tạo các hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường ngay tại mỗi gia đình, trường học, cộng đồng dân cư, khu sản xuất, các phong trào xanh sạch đẹp, trồng cây xanh, xây dựng các tuyến đường hoa được tổ chức thường xuyên. Nhiều hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân để toàn dân tham gia cùng chính quyền các cấp thực hiện vệ sinh môi trường, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh“, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ), ông Đỗ Công Chuân chia sẻ.
Tại lễ phát động, ông Đỗ Công Chuân đã kêu gọi sự quan tâm và tham gia tích cực của các cơ quan đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị – xã hội và toàn thể nhân dân tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo vệ môi trường với một số trọng tâm như:
– Giám sát sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon đối với môi trường và sức khỏe con người; xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhân rộng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa tại đồng ruộng.
– Định kỳ, thường xuyên tổ chức ra quân hưởng ứng phong trào vệ sinh môi trường trên các cánh đồng, kênh mương. Mỗi người dân tiếp tục hưởng ứng, thay đổi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần khi mua sắm, sinh hoạt hằng ngày và sản xuất nông nghiệp, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
– Các cấp ủy đảng tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào, nâng cao trách nhiệm, nêu gương của mỗi cán bộ đảng viên tại nơi cư trú.
Đề cập đến một số giải pháp giảm chất thải nhựa, nâng cao nhận thức của người dân để hạn chế việc sử dụng các vật tư sản xuất làm từ nhựa, ông Đỗ Công Chuân cho biết: “Để hướng tới việc sản xuất và nâng cao giá trị thu nhập cho người dân, đối với địa phương Quỳnh Hải là vùng chuyên canh rau màu, UBND xã rất quan tâm đến việc chỉ đạo bà con, hướng tới sản xuất an toàn.
“Chúng tôi đã tuyên truyền, đẩy mạnh việc tập huấn, đưa vào triển khai chương trình IPM, chương trình sản xuất phân hữu cơ, nâng cao giá trị thu nhập cho người tham gia sản xuất. Về việc sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV, chúng tôi hiện nay sử dụng các loại vật tư vi sinh, là các thuốc giảm độc tố để thời gian cách ly được rút ngắn, từ đó đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm an toàn”, ông Chuân cho biết.
Theo ông Chuân, trước đây, về vùng chuyên canh rau màu của Quỳnh Hải, không khí ô nhiễm nghiêm trọng do bà con sử dụng các loại thuốc BVTV có độ độc cao, thậm chí các loại thuốc cấm. Nhưng hiện tại, trên cánh đồng của xã không còn sử dụng các loại thuốc cấm cũng như các loại thuốc gây mất an toàn cho sản phẩm rau.
Về sản xuất đồng ruộng, trong quá trình đưa vào ứng dụng các công nghệ, nhân dân đã sử dụng các sản phẩm như nilon để che phủ trước khi trồng. Để giảm thiểu việc sử dụng nilon, UBND xã Quỳnh Hải đã chỉ đạo sử dụng những nilon có thời gian dài, độ bền tốt, có khả năng sử dụng vào sản xuất từ 2 – 3 năm mới cần thay thế. Mỗi khi thay, bà con sẽ thu gom và xử lý.
Nguồn: Hoàng Giang – nongnghiep.v