Triển khai Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề nông thôn Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tham mưu UBND thành phố tổ chức thực hiện quản lý nhà nước đối với làng nghề nông thôn đúng quy định; Rà soát các văn bản quy định của thành phố liên quan đến làng nghề nông thôn, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố các cơ chế chính sách hỗ trợ để thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề nông thôn phù hợp tại địa phương đúng theo quy định;

Phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng các đề án, mô hình, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình theo quy định phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; rà soát, thống kê, đánh giá hiện trạng, tiềm năng, phân loại ngành nghề; tổ chức khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống;

Tham mưu tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề và phát triển các thương hiệu sản phẩm làng nghề của thành phố, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP của các làng nghề;

Đồng thời, tiếp nhận hồ sơ (theo quy định tại điều 5, điều 6 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ) của UBND các quận, huyện về đề nghị xét công nhận làng nghề nông thôn. Phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện liên quan tham mưu thành lập Hội đồng xét công nhận làng nghề nông thôn và trình UBND thành phố quyết định công nhận làng nghề; Tổng hợp định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu về tình hình các làng nghề báo cáo UBND thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cơ sở làng nghề tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại các làng nghề theo thẩm quyền và phân cấp quản lý; Hướng dẫn, tạo điều kiện về thủ tục liên quan đến giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai cho các làng nghề nông thôn.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu và triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ (chương trình xúc tiến thương mại, chương trình quảng bá sản phẩm Đà Nẵng, chương trình khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch…) nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở, đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc làng nghề nâng cao năng lực sản xuất, từng bước ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng thương hiệu cho làng nghề để quảng bá về làng nghề như một điểm đến; Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan tham mưu UBND thành phố tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân Đà Nẵng trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.

Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển sản phẩm và xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề nông thôn; Hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển giao, đổi mới công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, thân thiện môi trường; hỗ trợ xây dựng đăng ký và bảo hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm làng nghề.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện các văn bản liên quan đến lao động, giải quyết việc làm; triển khai hướng dẫn thực hiện và thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các làng nghề; Phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, kỹ năng marketing; chú trọng đào tạo nghề cho lao động ở các cơ sở làng nghề, doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác tham gia làng nghề nông thôn.

Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tham mưu UBND thành phố về việc công nhận nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; Tham mưu thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, người có công bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị các nghề truyền thống.

Sở Du lịch tham mưu lồng ghép nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với làng nghề vào các kế hoạch, chương trình phát triển du lịch; tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch làng nghề của thành phố; hỗ trợ, hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp du lịch xây dựng các chương trình du lịch kết nối với làng nghề.

Sở Tài chính hằng năm, tại thời điểm xây dựng dự toán, trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành, địa phương và ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính tổng hợp (đối với nguồn vốn chi thường xuyên), báo cáo UBND thành phố xem xét trình HĐND thành phố phê chuẩn làm cơ sở bố trí dự toán cho các cơ quan, đơn vị, địa phương theo các nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề nông thôn Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030 đảm bảo theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; Phối hợp, tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển làng nghề nông thôn theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tham mưu UBND thành phố bố trí kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án, chương trình phát triển làng nghề theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành.

UBND các quận, huyện phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với làng nghề nông thôn trên địa bàn theo quy định; Hằng năm xây dựng, bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển làng nghề nông thôn vào dự toán ngân sách của địa phương; lồng ghép thực hiện từ nguồn kinh phí các chương trình, dự án, nguồn hỗ trợ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân để thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề; rà soát, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quan không gian làng nghề;

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị liên quan khôi phục, tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian để phát huy các giá trị văn hóa của nghề và làng nghề; Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động tôn vinh các sản phẩm làng nghề và các nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu; rà soát và đề xuất công nhận mới các nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất tình hình thực hiện phát triển làng nghề trên địa bàn.

UBND thành phố đề nghị UBMTTQ Việt Nam, Hội Nông dân thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp và hội viên tham gia thực hiện bảo tồn và phát triển làng nghề nông nghiệp trên địa bàn thành phố; lựa chọn nội dung giám sát, có chuyên đề giám sát đối với Chương trình; giám sát việc thực thi các chính sách có liên quan đến nông dân, nông thôn liên quan.

Nguồn: Thanh Thảo – danang.gov.vn