Để đạt được các mục tiêu đề ra trong nuôi trồng thủy sản năm 2023, Sở NN&PTNT Lào Cai cho biết, địa phương sẽ tăng cường khuyến khích các tổ chức, cá nhân ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, đồng thời, sẽ tập trung triển khai một số các dự án, mô hình điểm về lĩnh vực này,…
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, trong năm 2022, trong nuôi trồng thủy sản, địa phương đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, số lượng giống thủy sản sản xuất năm 2022 đạt 25 triệu con. Trong đó, sản xuất giống tại các Trại giống thủy sản của nhà nước đạt khoảng 8 triệu con giống các loại, chiếm 32% lượng giống của cả tỉnh. Còn lại giống thủy sản được sản xuất tại các cơ sở tư nhân trên địa bàn tỉnh,…
Trong năm 2022, sản lượng thủy sản các loại của Lào Cai đạt 11.200 tấn. Trong đó, nuôi thủy sản ao hồ nhỏ với diện tích hiện có 2.250 ha; năng suất đạt 4,25 tấn/ha; sản lượng cả năm đạt 9.580 tấn.
Về nuôi cá nước lạnh, thể tích hiện đạt 75.000 m3, tập trung tại các huyện: Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, Bắc Hà nhưng tập trung chủ yếu ở 2 huyện Sa Pa, Bát Xát; năng suất đạt 11,3 kg/m3; sản lượng năm 2022 đạt khoảng 850 tấn.
Về nuôi cá hồ chứa, mặt nước lớn, diện tích hiện đang nuôi 304 ha; sản lượng đạt 280 tấn. Nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa với số lượng lồng nuôi hiện có 568 lồng; thể tích nuôi hiện có 16.200 m3; năng suất nuôi đạt 19 kg/m3; sản lượng đạt 330 tấn.
Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, bước sang năm 2023, địa phương phấn đấu diện tích nuôi trong ao hồ nhỏ đạt 2.300 ha; nuôi cá nước lạnh đạt 76.000 m3, cá lồng bè đạt 16.600 m3. Sản lượng thủy sản năm 2023 phấn đấu đạt 12.200 tấn, trong đó: ao hồ nhỏ đạt 10.420 tấn, cá nước lạnh 900 tấn, cá lồng bè 350 tấn, nuôi mặt nước lớn 300 tấn,… Đồng thời, sản xuất và cung ứng giống trên địa bàn tỉnh đạt trên 25 triệu con thủy sản các loại.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Sở NN&PTNT Lào Cai cho biết, địa phương sẽ tăng cường khuyến khích các tổ chức, cá nhân ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất thủy sản. Đồng thời, thực hiện một số các dự án, mô hình điểm về phát triển nuôi trồng thủy sản như: Dự án ứng dụng công nghệ bán tuần hoàn, tuần hoàn trong nuôi cá nước lạnh, dự án phát triển nuôi cá lồng, dự án nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học,…
Bên cạnh đó, tổ chức quản lý sản xuất dưới hình thức các hội hoặc tổ hợp tác nhằm hoạch định kế hoạch chung, quản lý môi trường và nguồn nước chung, hỗ trợ trong huy động vốn, trao đổi công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi thương phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, các thông tin thị trường.
Thứ nữa, đó là khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất và ương nuôi giống thủy sản và thực hiện xã hội hoá trong sản xuất giống. Thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng giống, thức ăn, thuốc và hóa chất dùng cho nuôi thủy sản và có báo cáo về thực trạng sản xuất trên địa bàn, đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời.
Khuyến khích người dân tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, hình thành các mô hình liên kết dọc (liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm) và liên kết ngang như: Hợp tác xã, hội nghề nghiệp,…/.
Nguồn: dangcongsan.vn