LNV – Theo quy hoạch phát triển nghề, làng nghề TP. Hà Nội tầm nhìn đến năm 2030, hiện nay Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 56% số làng ở khu vực nông thôn. Với quy mô như vậy Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với đa dạng các ngành nghề.
Phát triển Làng nghề theo xu thế mới
Làng nghề có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương như giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở làng nghề; góp phần chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa kinh tế nông thôn đồng thời góp phần vào công cuộc bảo tồn các giá trị truyền thống.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong những năm qua, sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị – xã hội, các Hiệp hội ngành nghề cùng với sự năng động sáng tạo của người dân nên nghề và làng nghề được khôi phục, củng cố và ngày càng phát triển. Nhiều nghề, làng nghề được khôi phục và phát triển nhanh, bền vững, như nghề thêu, ren, dệt lụa, gốm sứ, sơn mài, khảm trai, mây tre đan… và các ngành nghề khác như: Bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm, nuôi trồng sinh vật cảnh, dệt may… đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện nay, các làng nghề Hà Nội định hình và phát triển theo 5 xu thế cơ bản: Phát triển thành các cụm công nghiệp làng nghề; Phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; Phát triển, bảo tồn và khôi phục các làng nghề truyền thống phục vụ nhu cầu trong nước; Phát triển và bảo tồn các làng nghề truyền thống hướng tới thị trường quốc tế và Phát triển làng nghề mới gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Khắc phục ô nhiễm môi trường
Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường làng nghề, năm 2017 Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, trình UBND Thành phố phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đề án xác định mục tiêu: “Tăng cường mạnh mẽ thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong quản lý và phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội; hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường nhằm tăng cường năng lực giám sát và khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề; ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề gây ô nhiễm môi trường mới”.
Triển khai nhiệm vụ theo Đề án được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung nguồn lực để thực hiện công tác đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội theo quy định về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; làm cơ sở để đề xuất các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề cho phù hợp với đặc điểm của làng nghề trong giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2017 – 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chương trình rà soát đối với 315 làng nghề, đã tiến hành đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm đối với 293 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 271 làng nghề được công nhận. Kết quả cho thấy: Có 139 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm tỷ lệ 47,5%); 91 làng nghề ô nhiễm (chiếm tỷ lệ 31%), còn lại 21,5% làng nghề được phân loại không ô nhiễm (tương đương 63 làng nghề).
Ở lần đánh giá này, nhiều nhóm ngành nghề có nhiều làng nghề gây ô nhiễm môi trường như: Nhóm ngành thủ công mỹ nghệ; nhóm ngành chế biến nông sản thực phẩm; nhóm ngành dệt nhuộm, thuộc da; nhóm ngành tái chế, gia công cơ kim khí. Một số nhóm ngành nghề khác cũng có làng nghề ô nhiễm như: Làng nghề làm tăm, chế biến lâm sản, nhiếp ảnh, làng nghề trồng hoa cây cảnh…
Kết quả đánh giá, phân loại làng nghề là cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý môi trường làng nghề, đồng thời là cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp kỹ thuật cho công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội; phục vụ cho công tác công bố thông tin về hiện trạng môi trường làng nghề, lập danh mục các làng nghề cần xử lý ô nhiễm và phục vụ cho báo cáo về hiện trạng hoạt động, tình hình phát sinh và quản lý, xử lý chất thải của làng nghề trên địa bàn thành phố theo đúng quy định. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan thông tin để thực hiện đăng tải thông tin phân loại làng nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.