Tập trung xử lý vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi

(Baothanhhoa.vn) – Công ty TNHH MTV Sông Chu được giao quản lý 75 hồ chứa, 12 đập dâng, 201 trạm bơm và hơn 2.500 km kênh mương tưới tiêu. Trong những năm qua, công ty đã quản lý, khai thác hợp lý, hiệu quả các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi vẫn thường xuyên xảy ra với các mức độ và quy mô khác nhau ở các địa phương.

Hành lang công trình thủy lợi Bắc sông Chu – Nam sông Mã đoạn qua xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) được giải tỏa theo quy định.

Theo ông Khương Bá Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu: Hàng năm, đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương xử lý hàng trăm vụ việc vi phạm hành lang an toàn công trình thủy lợi. Các vụ việc khi phát hiện, công ty đã lập biên bản yêu cầu dừng thi công, gửi công văn đề nghị chính quyền địa phương xử lý dứt điểm và trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc vi phạm do cấp quyền sử dụng đất trồng lấn với hành lang bảo vệ công trình thủy lợi nên rất khó xử lý. Ngoài ra, tình trạng người dân xả nước thải, rác thải, xác động vật chết xuống các công trình thủy lợi gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm môi trường nước vẫn thường xuyên xảy ra. Trước thực trang trên, đơn vị đang tích cực phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo vệ các công trình thủy lợi. Cùng với đó, công ty thường xuyên chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc thường xuyên bám tuyến, bám địa bàn được phân công, thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến hiện trạng công trình kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, từ năm 2018 đến tháng 5-2023, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 2.559 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Các vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà ở, vi phạm an toàn đập, hồ chứa, gây cản trở dòng chảy, xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi. Tuy nhiên, hình thức xử lý vi phạm hiện mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở, vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ, khôi phục hiện trạng, chưa xử phạt vi phạm hành chính. Phần lớn các vụ vi phạm trên các công trình, hệ thống do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 3 quản lý. Ngoài ra, chưa có báo cáo các vi phạm xảy ra ở các công trình, hệ thống thủy lợi do UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Do thiếu sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế. Nhiều công trình thủy lợi chưa được cắm mốc chỉ giới bảo vệ, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.

Mùa mưa lũ 2023 đang đến gần, các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị khai thác công trình thủy lợi đang tích cực kiểm tra và xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc địa bàn được giao phụ trách. Các ngành có liên quan, địa phương cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành trong việc thực hiện công tác bảo vệ, xử lý vi phạm công trình thủy lợi theo quy định. Các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung, nước thải sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trước khi xả vào công trình thủy lợi. Đồng thời, tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm công trình thủy lợi và công khai tình hình vi phạm và kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi.

Nguồn: baothanhhoa.vn