Cơ sở chăn nuôi “bỏ quên” giấy phép môi trường

Hai năm qua, các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai và các địa phương đã kiểm tra, phát hiện 129 cơ sở chăn nuôi vi phạm về bảo vệ môi trường (BVMT). Cần tăng cường kiểm tra, giám sát chăn nuôi nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường, tạo dựng không gian đáng sống cho xã hội.

“Bỏ quên” việc đăng ký giấy phép môi trường

Các cơ sở chăn nuôi quy mô trung bình ở Đồng Nai đã đầu tư hầm biogas, hồ lắng, hồ chứa để xử lý nước thải, phân thải. Còn các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như chưa có giải pháp xử lý, chỉ thực hiện lắng lọc sơ bộ và kết hợp nuôi cá.

Bên cạnh việc vi phạm về xử lý chất thải, thiếu hạng mục BVMT, nhiều cơ sở chăn nuôi còn “bỏ quên” việc đăng ký giấy phép/báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Huyện Long Thành có 54 cơ sở chăn nuôi đang hoạt động nhưng chỉ có 8 cơ sở có giấy phép môi trường, 46 cơ sở vẫn chưa có thủ tục về môi trường. Theo lãnh đạo huyện Long Thành, các cơ sở này tồn tại từ lâu và từ nông hộ lên trang trại nên việc đáp ứng các tiêu chí về môi trường còn hạn chế. Năm 2021, UBND huyện Long Thành đã có quy định khu vực không được phép chăn nuôi, di dời cơ sở ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi nhưng đến nay chưa thực hiện được. Nguyên nhân do mức hỗ trợ di dời thấp, quỹ đất quy hoạch khu được phép chăn nuôi chỉ còn khoảng 78ha, không đủ cho các cơ sở vào hoạt động.

Trang trại chăn nuôi bò tại huyện Cẩm Mỹ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai – ông Nguyễn Trí Công, BVMT là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở chăn nuôi để giữ môi trường xanh, sạch. Tuy nhiên, vấn đề của ngành hiện nay là việc nuôi gia công cho các công ty quá nhiều. Thay vì có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, cùng thực hiện các quy định về BVMT thì các doanh nghiệp này lại đẩy toàn bộ trách nhiệm cho chủ trại.

Đúng quy hoạch và đáp ứng môi trường

Tại buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, chăn nuôi phải đúng nơi, đúng chỗ; không thể để tồn tại cơ sở chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư, khu đô thị, gần sông, hồ vì sẽ gây mùi hôi và đe dọa ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của cả cộng đồng. Trường hợp cơ sở nào chưa đúng quy hoạch phải dứt khoát di dời theo lộ trình. Việc này đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng cao của người dân.

Về môi trường, các cơ sở chăn nuôi phải có giấy phép hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép này phải thực chất. Tỉnh và huyện phải tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo chủ cơ sở tuân thủ đầy đủ các giải pháp đã cam kết. Xử lý nghiêm và dứt điểm cơ sở vi phạm, hạn chế phát sinh mới. Tăng cường hướng dẫn chủ cơ sở áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để giảm rủi ro dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo cho rằng, đã đến lúc phải đánh giá lại quy mô, tỉ trọng đóng góp và nguy cơ của ngành chăn nuôi. Trên cơ sở đó, có định hướng phát triển ngành phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh.

Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát lại vùng được phép, việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo giấy phép môi trường. Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Quyết định số 296/QĐ-UBND phê duyệt danh sách hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Cùng với đó, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo từ nay đến hết tháng 6/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương phải tổng kiểm tra tất cả các trang trại chăn nuôi trên địa bàn, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tiếp theo.

Nguồn: kinhtenongthon.vn