Trong điều kiện kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay nói chung và tỉnh ta nói riêng thì phát triển chăn nuôi sẽ vẫn là sinh kế quan trọng của người dân, cung cấp thực phẩm bổ dưỡng cho con người, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho hầu hết người lao động. Chăn nuôi phát triển cũng sẽ tạo ra những rủi ro cho môi trường sinh thái và là một trong những nguyên nhân làm trái đất nóng lên nếu vấn đề môi trường chăn nuôi không được quả lý hiệu quả.
Nhiều biện pháp xử lý kỹ thuật khác nhau đã được áp dụng nhằm giảm thiểu những tác động xấu đến trường do ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi. Trong đó, việc quy hoạch và giám sát quy hoạch cả tổng thể và chi tiết chăn nuôi theo từng địa phương, cho từng chủng loại gia súc, gia cầm, với số lượng phù hợp để không quá tải gây ô nhiễm môi trường đang là biện pháp quan trọng có tầm chiến lược.
Nguồn gây ô nhiễm môi trường từ các cơ sở chăn nuôi bao gồm chất thải rắn như lông, phân, rác, thức ăn thừa và chất thải lỏng như nước tiểu, nước rửa chuồng, vệ sinh máng ăn, máng uống, nước tắm rửa cho gia súc. Trong quá trình hoạt động, dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm thải ra ngoài môi trường phân, nước tiểu và thức ăn thừa. Các chất này đóng vai trò rất lớn trong quá trình gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Trong chất thải chăn nuôi có nhiều chất gây ô nhiễm môi trường các chất hữu cơ dễ bị phân huỷ sinh học, các chất hữu cơ bền vững, các chất vô cơ, các chất có mùi, các chất rắn, các loại mầm bệnh … Rõ ràng ngành chăn nuôi phát triển nếu không đi kèm với các biện pháp xử lý chất thải sẽ làm môi trường sống của con người xuống cấp nhanh chóng. Môi trường bị ô nhiễm lại tác động trực tiếp vào sức khoẻ vật nuôi, phát sinh dịch bệnh, gây khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh, giảm năng suất không thể phát triển bền vững.
Kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi là áp dụng các phương pháp lý học, hóa học và sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chất thải chăn nuôi đặc biệt là phân chuồng được xử lý tốt góp phần vào nâng cao năng suất hiệu quả ngành nông nghiệp, nhất là trồng trọt khi phần lớn chất thải chăn nuôi được sử dụng làm phân bón. Tuy nhiên trước khi đưa vào sử dụng, việc xử lý chất thải chăn nuôi có sự khác nhau theo quy mô chăn nuôi. Với quy mô chăn nuôi trang trại thì việc xử lý chất thải hầu hết được coi trọng hơn được xử lý theo đúng quy định (như trang trại lợn Masan, trang trại bò sữa TH, trang trại bò sữa Vinamilk, trang trại lợn siêu nạc Hân Hiệu, trang trại Darby,… đã xây dựng khu xử lý chất thải theo quy định, có đánh giá tác động môi trường DTM, các trang trại chăn nuôi gà tại xã Nghi Kiều huyện Nghi Lộc đã sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi…), còn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gắn với sản xuất nông nghiệp, đa số chất thải chăn nuôi chủ yếu được vận chuyển trực tiếp từ chuồng nuôi ra ngoài đồng bón cho cây trồng.
Vấn đề đặt ra là phát triển chăn nuôi nhưng phải bền vững để hạn chế tối đa mức độ gây ô nhiễm và bảo vệ được môi trường sinh thái đặc biệt là môi trường đất. Nếu chất thải chăn nuôi, đặc biệt là phân chuồng được xử lý tốt sẽ góp phần làm giảm phát sinh dịch bệnh nâng cao năng suất hiêu quả ngành nông nghiệp đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng nếu không được xử lý tốt sẽ là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn cho môi trường ảnh hưởng xấu đến đời sống sức khỏe cộng đồng dân cư trước mắt cũng như lâu dài. Hậu quả của ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi nêu ở phần trên cho thấy từng cơ sở chăn nuôi cần phải lựa chọn được một công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp để bảo vệ môi trường.
Nguồn: nnptnt.nghean.gov.vn