Nói “không” với sản xuất nông nghiệp gây phá rừng – Bài 1: Từ bỏ tư duy lỗi thời

Tình trạng phá rừng tự nhiên vẫn còn diễn ra phức tạp. Vào năm 2023 đã tái diễn tình trạng chặt phá rừng thông ở một số địa phương để lấy đất canh tác.

Từ sau ngày 31/12/2024  các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng như của các quốc gia khác muốn vào được thị trường châu Âu thì phải lọt qua cánh cửa hẹp là Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR – EU Deforestation-free Regulation).

Điều này là thách thức lớn nhưng cũng là cú hích mạnh mẽ để buộc ngành nông nghiệp nước ta quyết liệt chuyển sang phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, từ bỏ không thương tiếc lối tư duy lỗi thời là tăng sản lượng chủ yếu dựa vào việc tăng diện tích canh tác.

Chiếm đất rừng để tăng sản lượng – tư duy lỗi thời

Phát triển sản xuất nông nghiệp bằng cách tăng sản lượng đơn thuần dựa vào mở rộng diện tích trồng trọt, mà điều này có được chủ yếu bằng cách thu hẹp rừng, là cách gây hại nghiêm trọng đến môi trường và không có tương lai.

Diện tích rừng Amazon tại Brazil bị tàn phá

Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), chỉ trong một thập kỷ qua hơn 43 triệu ha rừng trên Trái Đất đã biến mất, mà đây chưa phải là con số đầy đủ. Hằng năm “lá phổi xanh” vẫn đang tiếp tục bị thu hẹp, phần lớn là để lấy đất trồng trọt và chăn nuôi. Riêng 29 điểm nóng tại Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á đã “ôm” hơn 50% tổng diện tích rừng bị phá trên toàn cầu.
Còn theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) năm 2022, khoảng 420 triệu ha rừng đã mất từ năm 1990 đến năm 2020 tại ba lưu vực rừng lớn là Amazon (Nam Mỹ), Congo (Trung Phi) và Đông Nam Á, tương đương diện tích châu Âu.
Tạp chí Science (Khoa học), tập san có uy tín của Hiệp hội Mỹ vì sự Phát triển Khoa học, cho biết: Rừng Amazon bị tàn phá nghiêm trọng hơn nhiều so những số liệu được thống kê trước đây. Nạn phá rừng tại Brazil (quốc gia chiếm 60% diện tích Amazon) tăng vọt trong giai đoạn 2019-2022, chưa kể các vụ cháy rừng lớn.
Theo ông Susana Muhamad, Bộ trưởng Môi trường Colombia, để bảo tồn rừng Amazon thì giới hạn diện tích rừng bị tàn phá không được vượt 20%. Nếu Amazon bị thu hẹp quá 20% thì khu rừng lớn nguyên sinh lớn nhất thế giới sẽ không thể tự phục hồi và bị biến đổi thành đồng cỏ chỉ trong vài thập niên. Chúng ta nên nhớ diện tích rừng Amazon bị xóa bỏ hiện nay đã lên tới 17%.
Tại châu Phi, theo nghiên cứu của Đại học Maryland, trong năm 2022 diện tích rừng bị thu hẹp vào khoảng 3,6 triệu ha. Cộng hòa Dân chủ Congo phải chịu trách nhiệm lớn về sự suy giảm rừng. Hơn 0,5 triệu ha rừng ở nước này bị tàn phá vào năm 2022 do việc mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng. Cũng trong năm 2022 Ghana đã để mất 18.000 ha rừng nguyên sinh, ưu tiên số một là dành đất để trồng ca cao.
Còn tại châu Á thì Malaysia đứng đầu về nạn phá rừng. Tốc độ rừng bị thu hẹp ở đất nước Hồi giáo này nhanh gấp ba lần so với tốc độ phá rừng của tất cả các quốc gia châu Á cộng lại. Đây là kết quả công trình nghiên cứu do Công ty Bản đồ và Giám sát qua vệ tinh SarVision phối hợp với các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Wagenigen của Hà Lan tiến hành.
Cụ thể, tốc độ phá rừng của tất cả các nước châu Á trong 5 năm gần đây ở mức 2,8%, trong khi đó tại Malaysia có tới 353.000 ha (tương đương 1/3 diện tích rừng đầm lầy bị tàn phá). Ước tính, mỗi năm trung bình Malaysia phá khoảng 2% các khu rừng ở vùng ven biển Sarawak để lấy đất trồng cọ lấy dầu. Đến cuối thập kỷ này có thể Malaysia sẽ không còn một cánh rừng than bùn tự nhiên nào. Hơn 500.000 ha rừng tự nhiên ở Malaysia bị phá để trồng cọ đã thải ra 20 triệu tấn dioxide carbon mỗi năm. Trong đó, 10% khí thải hiệu ứng nhà kính là do phá rừng và cháy rừng đầm lầy chứa nhiều than bùn gây ra.

Rừng bị chặt phá bừa bãi ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng

Còn tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện tại diện tích rừng, bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán, là hơn 14,79 triệu ha, độ che phủ rừng của cả nước là 42,02%. Trong số diện tích rừng trồng chưa khép tán thì diện tích rừng tự nhiên là khoảng 10,13 triệu ha; rừng trồng khoảng 4,65 triệu ha, rừng đủ tiêu chí để tính tỷ lệ che phủ là 13,92 triệu ha.
Trong những năm qua việc quản lý, bảo vệ rừng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành nên số vụ vi phạm về lâm nghiệp đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng tự nhiên vẫn còn diễn ra phức tạp. Vào năm 2023 đã tái diễn tình trạng chặt phá rừng thông ở một số địa phương để lấy đất canh tác.

Phá rừng – một người làm, triệu người gánh hậu quả

Theo các nhà khoa học, nạn phá rừng ảnh hưởng đến khí hậu  theo nhiều cách. Cây cối hấp thụ khí carbonic và thải ra khí oxy và hơi nước trong không khí, cây cũng cung cấp bóng râm giữ ẩm cho đất. Điều này đều bị ảnh hưởng khi thiếu cây xanh, dẫn đến mất cân bằng nhiệt độ khí quyển, khí hậu khô hơn, tạo điều kiện cho hệ sinh thái khó khăn dẫn đến biến đổi khí hậu .
Khi một khu rừng bị chặt phá thì độ ẩm giảm xuống và làm cho các cây còn lại bị khô. Việc rừng mưa nhiệt đới bị khô kiệt làm gia tăng thiệt hại do hỏa hoạn phá hủy rừng nhanh chóng và gây hại cho động vật hoang dã cũng như con người. Rừng và khí hậu có mối liên hệ với nhau về bản chất. Mất rừng và suy thoái rừng vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của sự thay đổi khí hậu của chúng ta.
Cây cối đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát  sự nóng lên toàn cầu. Cây xanh  giúp giảm thiểu các khí nhà kính, khôi phục sự cân bằng trong khí quyển. Nếu rừng bị tàn phá liên tục thì tỷ lệ khí nhà kính trong khí quyển sẽ tăng lên, làm tăng thêm thảm họa nóng lên toàn cầu của chúng ta.
Lớp đất màu mỡ được giữ cố định bởi cấu trúc rễ phức tạp của nhiều lớp cây. Với việc phát quang cây che phủ , đất bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào làm cho đất khô cằn. Không có cây cối thì nạn xói mòn sẽ xảy ra thường xuyên.
Hàng triệu người trên khắp thế giới phụ thuộc vào rừng để săn bắn, trồng trọt quy mô nhỏ, hái lượm và tìm dược liệu. Nạn phá rừng làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người, góp phần gây ra xung đột xã hội và di cư.
Phá rừng để lấy đất làm nông nghiệp thực ra lại có thể gây mất an ninh lương thực trong tương lai. Hiện nay có tới 52% diện tích đất được sử dụng để sản xuất lương thực bị ảnh hưởng vừa phải hoặc nghiêm trọng bởi nạn xói mòn đất. Về lâu dài thì việc thiếu đất màu có thể dẫn đến sản lượng thấp và mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phá rừng còn dẫn đến việc mất đa dạng sinh học nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai, nhất là do mưa bão và lũ quét, lũ lụt. Tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn bởi nạn phá rừng.

Tuyến đường huyết mạch nối Bình Phước và Lâm Đồng sạt lở nghiêm trọng

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn), mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Ngoài việc do biến đổi khí hậu, đặc điểm địa lý thì tình trạng mưa lũ ở nước ta trở nên nghiêm trọng, khốc liệt hơn là do nạn chặt phá rừng, trong đó có việc thu hẹp diện tích rừng để lấy đất làm nông nghiệp. Chính điều này gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực; khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn.
Bên cạnh đó, tình trạng đất bạc màu ở nước ta một phần quan trọng cũng do nạn phá rừng gây ra. Đất bạc màu là loại đất đã mất đi những tính chất hóa – lý vốn có, đất thường sẽ có kết cấu kém hoặc không có kết cấu, nghèo chất dinh dưỡng, không thoáng khí. Vì đất không có khả năng giữ nước nên thường bị khô hạn. Đây là một trong những vấn đề nghiêm trọng của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm, gây thiệt hại về kinh tế và môi trường cho người nông dân.
Ngoài nguyên nhân là trồng độc canh, lạm dụng phân bón hóa học, sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật thì đất bạc màu còn do tình trạng chặt, đốt rừng làm nương rẫy ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong quá trình canh tác người nông dân không có các biện pháp chống rửa trôi, xói mòn vào mùa mưa, giữ ẩm cho mùa khô, không bón phân hữu cơ dẫn đến tình trạng sau khoảng vài năm canh tác thì đất trồng bị thiếu dinh dưỡng, tầng canh tác mỏng, thiếu nước tưới, đất không còn khả năng để canh tác nữa./. 

Nguồn: Trần Quang Vinh – TTXVN