Để phát triển tổng đàn heo (lợn) theo hướng an toàn sinh học (ATSH), hạn chế thấp nhất tình hình dịch bệnh, ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 – 2025”. Cùng với đó, Sở Công thương thành phố phối hợp các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng “sàn giao dịch heo”. Đây là hai yếu tố quan trọng để thành phố kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), cung cấp thịt heo sạch cho người tiêu dùng.
Hiện, trên địa bàn thành phố có khoảng 2.280 cơ sở chăn nuôi với tổng đàn hơn 200 nghìn con heo. Tuy tổng đàn không lớn, nhưng phương thức chăn nuôi heo ở các huyện vùng ven chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán, không bảo đảm ATSH, vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường. Ngoài ra, việc đầu tư áp dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi, quy trình xử lý nước thải, chất thải còn hạn chế… Những bất cập nêu trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến các dịch bệnh trên heo vẫn còn xảy ra, gây thiệt hại kinh tế lớn cho người chăn nuôi, như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh… Theo Chi cục Thú y và Chăn nuôi TP Hồ Chí Minh, từ những hạn chế này, việc triển khai, thực hiện cơ cấu lại ngành chăn nuôi nhằm phát triển tổng đàn heo ổn định và bền vững, hạn chế rủi ro do dịch bệnh là hết sức cần thiết. Mặt khác, cơ cấu lại ngành chăn nuôi có ý nghĩa thiết thực nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng trong ngành.
Mục tiêu chung của đề án là phát triển chăn nuôi theo hướng giảm tỷ lệ đàn heo thịt, tăng tỷ lệ đàn heo giống, hướng đến hình thành nhiều trại giống hạt nhân để cung cấp con giống có chất lượng cao cho người chăn nuôi thành phố và các tỉnh, tiếp tục duy trì thành phố là trung tâm cung cấp con giống cho cả nước. Chuyển chăn nuôi heo nông hộ nhỏ lẻ như hiện nay sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn, công nghiệp có kiểm soát, ứng dụng công nghệ cao bảo đảm ATSH, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, hoặc nếu không đáp ứng điều kiện ATSH thì chuyển đổi sang các ngành nghề khác. Ngoài ra, đề án hướng đến việc chuyển dịch liên kết trong sản xuất và cơ cấu lại theo chuỗi giá trị, ngành hàng, gắn với các mô hình kinh tế tập thể, phát triển tổ chức sản xuất liên kết theo mô hình chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, giảm khâu trung gian, giảm chi phí giá thành, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo lộ trình, đến cuối năm 2021, thành phố giảm nhanh các hộ chăn nuôi không bảo đảm ATSH, nhất là các hộ chăn nuôi tận dụng thức ăn thừa. Ổn định đàn heo khoảng 200 nghìn con, trong đó đàn nái sinh sản chiếm 16% tổng đàn, chủ yếu tập trung chăn nuôi tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè. Đối với các quận 2, 7, 9 và Bình Tân không còn chăn nuôi heo. Quy mô chăn nuôi bình quân đạt 75 đến 100 con/hộ, tỷ lệ hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP đạt hơn 60 đến 80%, 90 đến 100% số hộ chăn nuôi thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, cơ bản hình thành hệ thống tháp giống toàn thành phố với đàn giống cụ kỵ 1.673 con, chiếm 4,4% tổng đàn nái sinh sản và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lai tạo, nhân giống. Trong đó, phấn đấu 50% số cơ sở sản xuất giống heo được chứng nhận con giống theo các tiêu chuẩn hiện hành. Hoàn thiện bản đồ số hóa quản lý đàn heo và dịch bệnh trên địa bàn thành phố, phấn đấu hơn 10% số hộ chăn nuôi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi theo chuỗi liên kết ngành hàng thịt heo.
Đến cuối năm 2025, duy trì tổng đàn nái sinh sản chiếm khoảng 20% tổng đàn, tổng đàn giống cụ kỵ đạt 2.750 con, chiếm 5% tổng đàn nái sinh sản trên địa bàn năm huyện vùng ven thành phố, các quận còn lại không còn chăn nuôi heo. Quy mô chăn nuôi bình quân đạt 200 con/hộ, tỷ lệ hộ chăn nuôi heo được chứng nhận VietGAP đạt hơn 90 đến 95%, các hộ chăn nuôi tập trung trên địa bàn thành phố thực hiện theo phương thức chăn nuôi quy mô công nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao đồng bộ, bảo đảm ATSH, quy trình VietGAP trở lên. Phấn đấu hơn 20% số hộ chăn nuôi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi theo chuỗi liên kết ngành hàng thịt heo.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, nhiều giải pháp được ngành nông nghiệp thành phố đưa ra, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp đầu tư ứng dụng khoa học – công nghệ vào chăn nuôi theo hướng khép kín, chuyên môn hóa chăn nuôi, khuyến khích người chăn nuôi tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác, các chuỗi liên kết sản xuất, tập trung sản xuất con giống chất lượng cao. Cùng với đó, Sở Công thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, các đơn vị liên quan triển khai xây dựng “sàn giao dịch heo” tại TP Hồ Chí Minh.
Qua thống kê, thị trường thành phố giao dịch bình quân 10 nghìn con heo mỗi ngày, đạt quy mô lớn với tổng trị giá lên đến 17 nghìn tỷ đồng, tương đương 750 triệu USD một năm. Ngoài ra, chuỗi cung ứng thịt heo cho thị trường thành phố có 1.500 cơ sở chăn nuôi, 24 cơ sở giết mổ, 70 thương lái, 100 thương nhân kinh doanh heo mảnh tại hai chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và 12 nhà bán lẻ hiện đại tham gia… Đây là cơ sở để xây dựng sàn giao dịch heo, tạo ra một “sân chơi” minh bạch, thúc đẩy ngành chăn nuôi heo trong khu vực phát triển ổn định. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Sàn giao dịch heo cho biết: Sàn giao dịch heo là mô hình giao dịch hiện đại, văn minh rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, giúp kết nối trực tiếp nhà sản xuất với thị trường, cung cấp đầy đủ, công khai, minh bạch các thông tin về hàng hóa giao dịch cho tất cả chủ thể liên quan. Sàn giao dịch heo cũng đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa ngành chăn nuôi, tiêu thụ heo bảo đảm ATVSTP, bình ổn thị trường, giá thành và hướng tới xuất khẩu chính ngạch. Với cách làm này, không chỉ thành phố, các địa phương khác có nguồn cung cấp heo cho thành phố phải cơ cấu lại chăn nuôi để bảo đảm các điều kiện khi tham gia sàn giao dịch heo.
Nguồn: Khánh Trình – Báo Nhân Dân