Khai thác ‘mỏ vàng’ chất thải, phụ phẩm nông nghiệp


Hằng năm, lượng chất thải chăn nuôi có thể cung cấp lượng tương đương với khoảng 1,2 triệu tấn đạm urê, 3,1 triệu tấn supe lân đơn và 2,4 triệu tấn phân kali sunfat…

Lãnh phí chất thải chăn nuôi

Để thực hiện được việc này, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực trong nông nghiệp và chính sách của Nhà nước để thúc đẩy các hoạt động tái sử dụng, từ đó đạt hiệu quả về giảm ô nhiễm, đáp ứng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn và tiến đến một nền nông nghiệp bền vững.

Theo tính toán của PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp (2021), hằng năm phần sinh khối phụ phẩm từ các cây trồng chính như lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp tương đương với khoảng 43,4 triệu tấn hữu cơ, 1,86 triệu tấn đạm urê, 1,68 triệu tấn supe lân đơn và 2,23 triệu tấn kali sulfat.

Tương tự, với khối lượng và đặc tính của mỗi loại chất thải rắn của vật nuôi, kết quả cho thấy hằng năm lượng chất thải chăn nuôi có thể cung cấp lượng tương đương với khoảng 42 triệu tấn hữu cơ nguyên chất, 1,2 triệu tấn đạm urê, 3,1 triệu tấn supe lân đơn và 2,4 triệu tấn phân kali sunfat.

Đây được coi là con số khổng lồ để bù đắp lại dinh dưỡng trong đất và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, các phần dinh dưỡng này gần như bị bỏ phí và chưa có các cơ chế khuyến khích để tái sử dụng.

Trong khi đó, chi phí để xử lý các phế phụ phẩm trong nông nghiệp hiện nay vẫn còn lớn so với thu nhập của nông dân, dẫn tới thực trạng mất đi lượng hữu cơ và dinh dưỡng cây trồng khổng lồ, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí, trong khi đất trồng ngày càng bị thiếu hụt hữu cơ, thoái hoá trầm trọng.

Một tồn tại rất lớn trong vấn đề tuần hoàn chất thải chăn nuôi và phụ phẩm trồng trọt là mối liên hệ giữa trang trại/người trồng trọt và trang trại/người chăn nuôi rất lỏng lẻo, thậm chí không có mối liên hệ gì.

Hầu hết các trang trại chăn nuôi thì không trồng trọt; trang trại trồng trọt thì không có chăn nuôi. Vì thế, chất thải của chăn nuôi không được sử dụng cho trồng trọt, trở nên dư thừa, phải thải bỏ, gây ô nhiễm môi trường.

Ngược lại, phụ phẩm trồng trọt, ví dụ như rơm rạ, cùi ngô, bẹ và lá mía… không được tái sử dụng, gây dư thửa, phải thải bỏ, đốt bỏ gây ô nhiễm đất, nước và không khí, lại mất hàng triệu tấn hữu cơ, phân đạm, lân, kali và các chất dinh dưỡng khác.

Chất thải chăn nuôi là một nguồn tài nguyên, nhưng các trang trại chăn nuôi sở hữu cả một nguồn tài nguyên khổng lồ hàng triệu tấn mà không bán được, phải đổ bỏ, gây ô nhiễm môi trường hoặc bán với giá rẻ mạt cho các công ty phân bón.

Lý do là quy định của Nhà nước về quy hoạch và điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ. Trong đó, hơn 90% các trang trại đều không đủ điều kiện. Việc các trang trại chăn nuôi không tận dụng được chất thải của trang trại mình, chỉ thu lợi từ sản phẩm chính của chăn nuôi mà không thu được từ các sản phẩm phụ có giá trị, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn do giá cả tụt dốc hoặc dịch bệnh leo thang thì nguồn thu nhập đó sẽ rất có giá trị trong việc duy trì sự phát triển của trang trại

Phân hữu cơ chỉ được sản xuất từ phụ phẩm trồng trọt hoặc chăn nuôi thì chất lượng không cao mà phải kết hợp giữa phụ phẩm trồng trọt với chất thải chăn nuôi, vì quá trình phân hủy tối ưu diễn ra khi vật liệu ủ có tỷ lệ C/N (các bon/ni tơ) tối ưu.

Tỷ lệ C/N của phụ phẩm trồng trọt cao (50 – 80) và của chất thải chăn nuôi rất thấp (dưới 10). Phân hữu cơ tốt phải có tỷ lệ C/N từ 15 – 30. Tức là 2 loại chất thải này phải được trộn với nhau mới tạo thành phân hữu cơ chất lượng cao.

Một số giải pháp

Hiện thực hoá đề án nông nghiệp hữu cơ (NNHC): Nhu cầu tiêu thụ phân bón hằng năm của nước ta đạt khoảng 11 triệu tấn, với hơn 90% là phân bón vô cơ, còn lại là phân hữu cơ các loại.

Phân hỗn hợp NPK chiếm tỷ trọng lớn nhất (35,5%), theo sau là phân urê (22,2%), DAP (10,1%) và phân lân đơn (9%). Theo đề án nông nghiệp hữu cơ (Quyết định số 885/QĐ-TTg, ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ), đến năm 2025 và năm 2030 phấn đấu diện tích nông nghiệp hữu cơ là 1,5% và 3% diện tích trồng trọt, tương đương với 225.000 ha và 450.000 ha trồng trọt hữu cơ.

Việc sử dụng các nguồn hữu cơ phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra dinh dưỡng cho cây trồng sẽ mang lại giá trị kinh tế và môi trường. Ảnh: TL.

Với lượng phân đạm đầu tư bình quân trên 1 ha = 100 kg N và hàm lượng đạm (N) trong phân ủ là 0,6% thì lượng phân hữu cơ cần để thay thế cho 100 kg N là 16 tấn/ha và lượng phân hữu cơ cần cho các diện tích trên tương ứng là 3,6 và 7,2 triệu tấn/vụ vào năm 2025 và 2030.

Hiện nay, chỉ có 15% diện tích trồng trọt ở ĐBSH bón phân hữu cơ, ở các tỉnh miền Nam thì thấp hơn. Để có quy mô NNHC thực sự như trên thì đây là 2 nguồn duy nhất để sản xuất phân hữu cơ thay thế phân vô cơ. Để phấn đấu một nền NNHC với quy mô lớn hơn nữa, cần phải có chính sách sản xuất đủ phân hữu cơ cho canh tác hữu cơ.

Trong nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp bền vững, tất cả những nguồn hữu cơ gồm: Phân gia súc, gia cầm tươi, khô; phân chuồng, phân khô (ví dụ phân bò); phụ phẩm trồng trọt; rác thải sinh hoạt hữu cơ; bùn thải, bùn đáy hầm biogas, nước thải sau biogas; cây cỏ, chất thải sản xuất tinh bột, giết mổ, chế biến thuỷ sản… đều có giá trị dinh dưỡng cao và có giá trị đầu vào cho trồng trọt. Việc thải ra môi trưởng là lãng phí.

Việc sử dụng các nguồn hữu cơ này dưới mọi hình thức đều mang lại giá trị kinh tế và môi trường. Nếu chủ trang trại được phép xử lý chúng thành phân hữu cơ và bán như một loại hàng hoá để tăng thu nhập (vẫn tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo sản phẩm của mình bán ra đạt tiêu chuẩn đăng ký) thì sẽ sạch bóng ô nhiễm chất thải chăn nuôi, không còn đốt rơm rạ sau những mùa thu hoạch.

Tác giả: PGS. TS. Mai Văn Trịnh – Viện trưởng viện Môi trường Nông nghiệp. Nguồn: nongnghiep.vn