Thời gian qua, giao đất, giao rừng là một trong những chính sách nổi bật đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường kết hợp phát triển kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhìn chung, trên phạm vi cả nước, tình trạng phá rừng, khai thác trái phép trên quy mô lớn cơ bản được kiềm chế, giảm các điểm nóng, hệ số che phủ rừng đạt 42,01%, cao hơn mức bình quân thế giới – theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các tỉnh có độ che phủ rừng cao tập trung chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, trùng với địa bàn chủ yếu của vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta.
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, những năm qua, tổng diện tích rừng đã giao là gần 806 nghìn ha, cho trên 12 nghìn cộng đồng dân tộc thiểu số quản lý (trung bình 66,6 ha/cộng đồng) và trên 936 nghìn ha cho trên 439 nghìn hộ gia đình dân tộc thiểu số quản lý (trung bình 2,13 ha/hộ).
Chính sách giao đất giao rừng đã đảm bảo rừng có chủ thực sự. Hộ gia đình sau khi nhận đất đã tiến hành các hoạt động đầu tư trồng rừng, góp phần nâng cao thu nhập, hiệu quả sử dụng đất và tăng độ che phủ rừng toàn quốc.
Một nghiên cứu của GS.TS. Đặng Kim Vui, Đại học Thái Nguyên đã chỉ ra rằng, song song với chính sách giao đất giao rừng, chính sách phát triển rừng đã tạo chuyển biến về ý thức của người dân, từ tập quán phá rừng sang quản lý, bảo vệ và trồng rừng. Phong trào trồng cây gây rừng từ đồng bằng đã dịch chuyển lên vùng trung du, miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong nhân dân về lợi ích của rừng, thấy được hiệu quả trồng rừng và rừng trồng nên mong muốn được giao đất để trồng rừng nguyên liệu.
Ông Vàng Hu Chờ, Chủ tịch UBND xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết, quản lý, bảo vệ rừng tốt là nền tảng cơ bản để thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2020, 850 hộ dân trong xã đã được nhận số tiền dịch vụ môi trường rừng trên 8,5 tỷ đồng. Trong điều kiện thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chỉ tiêu phát triển chăn nuôi đều giảm so với kế hoạch thì chính tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần giúp đồng bào ổn định cuộc sống.
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm gần ¾ diện tích tự nhiên của cả nước, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái; có nhiều tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp.
Trong dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, Ủy ban Dân tộc đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục tiêu: kinh tế, xã hội và môi trường, là khâu đột phá trong cơ cấu lại nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Tập trung đầu tư mạnh cho phát triển kinh tế lâm nghiệp, sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng; tỷ lệ che phủ rừng phải nâng lên, đạt 45%, bằng chỉ tiêu dự kiến của quốc gia.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển lâm nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi như một giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, đòi hỏi các cấp, các ngành phải kiên quyết cơ cấu lại đất đai, sản xuất của các nông, lâm trường; hoàn thành giao đất, giao rừng gắn với định canh định cư; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; kiên quyết chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy và hủy hoại đất rừng.
Rà soát, khắc phục tình trạng bất hợp lý trong phân loại 3 loại rừng theo hướng vừa bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ xung yếu, vừa sử dụng hợp lý, hiệu quả rừng sản xuất; có giải pháp đối với rừng nghèo kiệt, đất quy hoạch rừng sản xuất theo phương thức trồng cây gỗ lớn kết hợp với loài sinh khối nhanh, đảm bảo cân bằng phát triển rừng trồng gỗ nhỏ và rừng trồng gỗ lớn.
Thực hiện nghiên cứu chọn tạo giống có chất lượng cao, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác rừng cho các địa phương, hộ gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn – GS.TS. Đặng Kim Vui đề xuất.
Tiếp tục khẳng định thế mạnh của các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi là lâm nghiệp, song theo đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, quan trọng nhất vẫn là phải tạo sinh kế cho người dân từ rừng. Theo quy định của Nhà nước, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thì không được khai thác. Vậy nên nếu chỉ khoanh nuôi, bảo vệ rừng thì người dân không thể có thu nhập cao.
Các địa phương cần đảm bảo phát triển cân bằng giữa rừng trồng gỗ nhỏ và rừng trồng gỗ lớn, giao khoán hoặc chuyển đổi một số diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân tộc thiểu số quản lý.
Đẩy mạnh tuyên truyền vận động đi đôi với xử lý nghiêm các vụ việc xâm hại rừng, đất rừng. Khôi phục một số tập quán tốt, “văn hóa” ứng xử với rừng của người dân tộc thiểu số như “thờ thần rừng”, “cúng trả ơn rừng”, “cộng đồng bảo vệ rừng thiêng”./.
Nguồn: dangcongsan.vn