TTO – Ngày 3-6 ở Đà Lạt (Lâm Đồng), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo khởi động dự án Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững, không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông.
Dự án do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, có trị giá 5 triệu euro, triển khai trong giai đoạn 2022 – 2026.
Ông Jesus Lavina, tham tán thứ nhất – phó trưởng ban hợp tác của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết: “Châu Âu rất ủng hộ các sản phẩm nông nghiệp và nhiều sản phẩm khác có xuất xứ từ Việt Nam. Chúng tôi có định hướng trên toàn châu Âu trong thời gian tới trên mỗi sản phẩm tiêu dùng người dân sử dụng không liên quan đến mất rừng tại Việt Nam và trên toàn cầu. Điều này khiến chúng tôi nỗ lực đầu tư vào dự án phát triển rừng bền vững tại Việt Nam. Song song là nghiên cứu các phương thức phát triển kinh tế không gây mất rừng để tạo cơ chế cho hoạt động kinh tế sau này”.
Ông Lê Quốc Doanh, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: “Tây Nguyên là địa bàn quan trọng ở nhiều phương diện. Đây là thủ phủ để phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê với 700.000ha. Tây Nguyên là vùng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Do đó, dự án với những kế hoạch để phát triển kinh tế không gây mất rừng tại nam Tây Nguyên là rất cần thiết. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 13 tỉ USD các sản phẩm có liên quan tới rừng. Kinh tế rừng có vai trò lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Như vậy, giữ rừng nhưng phải tạo sinh kế cho người dân trong khu vực, hai nội dung này đi liền với nhau mới có thể phát triển rừng bền vững.
Tại hội thảo, các chuyên gia thống nhất 4 kết quả cần đạt được: Xây dựng hệ thống quản trị hiệu quả bao gồm công tác quản lý và lập quy hoạch sử dụng đất tổng thể được tăng cường ở cả cấp huyện và cấp tỉnh; Tạo các mô hình tiêu chuẩn về sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu có năng suất cao được thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm sản ngoài gỗ và các dịch vụ sinh thái; Môi trường tài chính được cải thiện với các sáng kiến tăng nguồn đầu tư và cải thiện quan hệ đối tác nhằm xúc tiến chuyển đổi theo hướng cảnh quan bền vững, tập trung ở cấp tỉnh và huyện; Tính bền vững và khả năng nhân rộng của dự án được đảm bảo thông qua nỗ lực điều phối, giám sát & đánh giá, tài liệu hóa và chia sẻ tri thức, truyền thông và vận động chính sách vùng và cấp quốc gia.