TTO – Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn carbon dioxide (CO2), hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 tương đương. Nông dân, chủ rừng, doanh nghiệp công nghệ cao có thể thu lợi ích không nhỏ nếu bán được.
Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra khoảng 50 – 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, nếu xuất khẩu thành công thì nguồn thu lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Tiềm năng lớn
Ông Trần Út – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam – cho hay địa phương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Đề án được phê duyệt sẽ thực hiện thí điểm từ năm 2022 – 2026.
Quảng Nam là địa phương đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho hay, dự kiến trong giai đoạn thí điểm sẽ lựa chọn được nhà đầu tư vào dự án, đàm phán, đồng thời ký hợp đồng đầu tư, thu mua tín chỉ carbon rừng. Đến nay đã có 5 công ty, tổ chức nước ngoài bày tỏ quan tâm đầu tư và mong muốn mua tín chỉ carbon rừng của Quảng Nam.
Thông qua việc bán tín chỉ carbon rừng, ông Bửu kỳ vọng sẽ giải quyết được các nguyên nhân, rào cản gây mất rừng.
Ai được hưởng lợi?
Theo ông Cao Văn Thụ (xã Hà Nhân, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), sau khi được Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn “giao đất giao rừng” với mức tiền công chi trả 300.000 đồng/ha, mỗi năm gia đình ông chỉ được nhận vỏn vẹn 1,7 triệu tiền công chăm sóc, bảo vệ rừng.
“Không đủ sống, không đủ tiền xăng để phát dọn cỏ. Nay có thêm thị trường mua bán carbon, chúng tôi rất kỳ vọng sẽ có thêm nguồn thu”, ông Thụ nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đối tượng chính hưởng lợi từ đề án thị trường mua bán tín chỉ carbon là chủ rừng, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
Có diện tích rừng tự nhiên khoảng 43.000ha, được đánh giá có tiềm năng lớn để bán tín chỉ carbon, huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) là một trong những địa phương được Quảng Nam chọn thí điểm.
Ông Nguyễn Vĩnh Hiền, phó giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My, cho biết bán tín chỉ cacbon rừng sẽ tạo ra được một nguồn kinh phí. “Có được tiền bán tín chỉ carbon thì người dân, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng sẽ được hưởng lợi, từ đó rừng được cộng đồng dân cư bảo vệ tốt, không bị xâm hại…”, ông Hiền nói.
Doanh nghiệp cũng phải thay đổi
Giám đốc một nhà máy ximăng ở Thanh Hóa (công suất khoảng 5 triệu tấn/năm) cho biết khi đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng được triển khai, mỗi năm doanh nghiệp này sẽ phải nộp khoảng gần 10 tỉ đồng dịch vụ môi trường rừng cho lượng carbon phát thải. Tuy vậy, ông ủng hộ đề án mua bán, trao đổi carbon rừng, vì có lợi không chỉ hiện tại mà cho cả tương lai.
Ở phía đơn vị tham mưu, phản biện chính sách trong đó có chính sách carbon rừng, PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, phó chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, cho biết thị trường tín chỉ carbon trên thế giới đã hình thành từ lâu, trong đó có thị trường tự nguyện và bắt buộc.
Theo ông Ngãi, ngành lâm nghiệp có hai cơ hội: một là tín chỉ carbon rừng được hình thành từ việc chống mất rừng sẽ đóng góp vào giảm phát thải quốc gia, hai là tín chỉ carbon được cây cối trong rừng hấp thụ lại. Hai loại này nếu làm tốt hằng năm thì có thể dư ra khoảng 50 – 70 triệu tấn tín chỉ carbon, nếu xuất khẩu thành công thì số tiền thu về lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Ông Ngãi cho biết mới đây Ngân hàng Thế giới đã thông qua quỹ đối tác ký các thỏa thuận với Việt Nam thí điểm mua 10,5 triệu tấn tín chỉ carbon rừng. Ngoài ra, một số tổ chức khác cũng đang thăm dò. Một số tổ chức phi chính phủ đã thí điểm trên khu vực nhỏ ở tỉnh Kon Tum. Theo ông Ngãi, họ phát hành tín chỉ carbon thương mại trên thị trường thế giới và đang rao bán nhưng sản lượng chưa nhiều.
Tuy vậy, hiện vẫn còn điểm trống chính sách. “Rừng là bể chứa carbon, nhưng có trở thành hàng hóa hay không chưa được chính sách nào quy định. Carbon thuộc về ai, chủ rừng hay nhiều đối tượng khác? Sở hữu rừng ở Việt Nam rất phức tạp về nguyên tắc của toàn dân, nhưng lại giao cho các chủ rừng quản lý. Hiện nước ta có diện tích rừng khá lớn, khoảng 14 triệu ha, nhưng có hơn 1 triệu chủ rừng nhỏ lẻ”, ông Ngãi cảnh báo.
Trước mắt, ông Ngãi cho rằng để có thể phát triển thị trường tín chỉ carbon, cần quy định rõ: carbon rừng là hàng hóa thì sẽ được dán nhãn ra sao, thuế chịu như thế nào, đo đếm ra sao, thuộc danh mục hàng hóa nào…
“Cần thí điểm trong vòng 3 – 4 năm, tổng kết đánh giá lại để từ đó có cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo cơ chế chính sách thông thoáng nhất để phát triển thị trường carbon rừng”, ông Ngãi đề nghị.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, đề án xây dựng lộ trình ngay năm 2022 sẽ bán 1,5 triệu tín chỉ của các năm 2018, 2019 và 2020, tức bình quân mỗi năm bán 0,5 triệu tín chỉ.
Nguồn: tuoitre.vn