Bát Tràng – Điển hình phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

Trước đây, hầu hết các hộ kinh doanh, hộ gia đình làm gốm sứ Bát Tràng đều sử dụng than củi và than đá nên gây ra các vấn đề ô nhiễm môi trường, cụ thể:

– Ô nhiễm môi trường không khí: Theo kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội, lượng bụi ở đây vượt quá tiêu chuẩn môi trường 3 – 3,5 lần, nồng độ các khí CO2, SO2, NO2 trong không khí đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 – 2 lần.

Với hàng nghìn lò nung gốm bằng than hoạt động không kể ngày đêm, mỗi năm Bát Tràng tiêu thụ khoảng 70.000 tấn than, phát thải ra không khí khoảng 130 tấn bụi và thải ra môi trường 6.800 tấn tro xỉ.

Bên cạnh đó là mỗi ngày có hàng chục chiếc xe tải, xe cải tiến chở nguyên vật liệu, gây ra tình trạng khói bụi ô nhiễm. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất gốm sứ những hóa chất dùng để nâng cao chất lượng, bảo quản sản phẩm, để làm chất liệu men, sơn vẽ… đã gây hại trực tiếp tới môi trường không khí ở làng nghề.

– Ô nhiễm môi trường nước: Ô nhiễm nguồn nước ở Bát Tràng chủ yếu là do nước thải sinh hoạt và nước thải do quá trình ngâm đất để tách các tạp chất, một phần nước do hoat động nhào trộn than để chuẩn bị cho quá trình nung gốm. Nước thải trong quá trình sản xuất và sinh hoạt của người dân ở đây không được xử lý mà thải trực tiếp ra các ao hồ trong làng và sông Hồng.

– Ô nhiễm môi trường đất: Với sự phát triển của làng nghề, các quy trình sản xuất gốm sứ mang tính chất thủ công có ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái và môi trường đất, làm ảnh hưởng đến các tính chất vật lý và tính chất hóa học của đất.

Những tác động về vật lý như xói mòn, nén chặt đất, phá hủy cấu trúc đất và các tổ chức sinh học của chúng do sử dụng các thiết bị, máy móc nặng, các hoạt động xây dựng, sản xuất, khai thác…

Các loại hóa chất, khí thải của quá trình nung đốt sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được thải trực tiếp hoặc theo nguồn nước thải không được xử lý đã ngấm sâu vào các tầng đất gây tích tụ các kim loại nặng, các độc chất ảnh hưởng tới hệ vi sinh vật đất phân giải chất hữu cơ làm cho đất chai cứng, mất dinh dưỡng làm đất mất tính năng sản xuất đồng thời làm tăng khả năng hấp thụ các nguyên tố có hại cho cây trồng, vật nuôi và từ đó gây hại sức khỏe con người.

– Ô nhiễm tiếng ồn, chất thải rắn: Hằng ngày, hàng trăm lượt xe cải tiến, xe tải chở nguyên vật liệu và thành phẩm ra vào gây ra tiếng ồn làm ảnh hưởng tới hoạt động sống bình thường của người dân.

Trong quá trình sản xuất gốm không chỉ thải ra các khí độc hại mà trung bình mỗi lò nung gốm bằng than còn thải ra khoảng 2,5 tấn chất thải rắn cho mỗi mẻ nung. Cùng với đó, phế phẩm, phế liệu đất nung gốm, sứ vỡ, hỏng chất thành những đống bên đường hoặc có thể chuyên chở đổ ra sông Hồng.

Sản xuất các sản phẩm gốm sứ ở Bát Tràng_Ảnh: Tư liệu 

Trước hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm môi trường đất… Bát Tràng đã quyết tâm thực hiện những giải pháp đề ra để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường.

Thứ nhất, thay thế công nghệ sản xuất lạc hậu bằng công nghệ sạch

Với mong muốn tiếp tục phát triển làng nghề theo hướng hiện đại, bền vững, chính quyền huyện Gia Lâm đã vào cuộc, vận động và hỗ trợ các hộ sản xuất ứng dụng công nghệ sản xuất sạch để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.

Đến nay, 90% hộ dân tại Bát Tràng đã sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than và hạn chế ô nhiễm ra môi trường xung quanh.

Với quyết tâm của chính quyền và người dân, làng nghề gốm sứ Bát Tràng đã trở thành làng nghề hiện đại, sản xuất sạch. Các doanh nghiệp, hộ gia đình áp dụng công nghệ sản xuất sạch đi trước đã khích lệ doanh nghiệp và các hộ sản xuất khác trong làng nghề học tập và làm theo.

Đầu tư công nghệ mới không chỉ giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động. Công nghệ hiện đại giúp chất lượng của mỗi mẻ nung đạt 80-90%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 60-70% do nung bằng lò truyền thống ngày trước, bên cạnh đó, thời gian nung gốm bằng công nghệ mới cũng rút ngắn.

Thứ hai, phát triển du lịch

Hiện nay, Bát Tràng còn là điểm du lịch của thành phố Hà Nội. Đặc biệt, Bát Tràng đã ứng dụng các công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước bằng cách xây dựng cổng thông tin điện tử Bát Tràng, lắp đặt wifi miễn phí, sử dụng máy thuyết minh tự động, ứng dụng du lịch Bát Tràng, kính trải nghiệm thực tế ảo, xe điện thông minh… để phục vụ khách du lịch.

Ngoài áp dụng các ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh theo đúng xu hướng của du lịch hiện đại, Bát Tràng còn thực hiện chỉnh trang đường phố, xây dựng nhà tiếp đón, hướng dẫn du khách; tạo những không gian đậm chất văn hóa thu hút giới trẻ “check in”.

Trong những năm gần đây, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán ước khoảng 200.000 lượt khách/năm, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 10%, học sinh, sinh viên và thanh niên chiếm khoảng 40%. Đặc biệt, vào mùa cao điểm có ngày Bát Tràng đón gần 10.000 lượt khách đến tham quan…

Có thể thấy, việc Bát Tràng trở thành điểm du lịch đã và sẽ góp phần đẩy mạnh sự quan tâm, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất cũng như du lịch của Bát Tràng theo hướng bền vững, vừa bảo tồn, phát triển những giá trị của làng nghề truyền thống, vừa bảo vệ được môi trường sống xanh, sạch, hiện đại./.

Nguồn: Mạnh Hùng – https://www.tapchicongsan.org.vn/