Thanh Hóa phát triển nông – lâm nghiệp hiện đại, bền vững và hiệu quả

Tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Thanh Hóa, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra từ ngày 9 đến 11-12-2022, trong phần giải trình và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đồng chí Cao Văn Cường nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu và cử tri địa phương.

Quang cảnh kỳ họp. 

Theo đó, Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Toàn tỉnh Thanh Hóa có 243.122 ha đất sản xuất nông nghiệp (đứng thứ 18 cả nước), chiếm 21,9% tổng diện tích tự nhiên, trong đó diện tích đất trồng lúa hơn 138.900 ha, đất trồng cây hằng năm khác gần 58.540 ha, đất trồng cây lâu năm gần 45.700 ha. Diện tích đất sản xuất lâm nghiệp, toàn tỉnh có gần 691.150 ha, chiếm 75,48% tổng diện tích tự nhiên (đứng thứ 3 cả nước). Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Trong đó, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vẫn còn chậm, chưa có các vùng trồng cây nông, lâm nghiệp quy mô lớn có giá trị gia tăng cao gắn với thương hiệu sản phẩm, nhất là trên địa bàn các huyện trung du và miền núi.

Tránh tình trạng “mặc đồng phục” cho các vùng sản xuất

Trả lời chất vấn của các đại biểu về tình trạng nông sản “được mùa mất giá” và các giải pháp căn cơ để phát triển ngành nông nghiệp bền vững, đồng chí Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản xuất nông nghiệp “được mùa, mất giá” là do tính tự phát trong sản xuất còn cao… “Sản xuất nông nghiệp hiện nay còn theo tính mùa vụ, phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tự nhiên. Mặt khác, khi người nông dân được mùa nông sản thì lượng cung lớn hơn cầu, nên xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản. Bên cạnh đó, tính tự phát trong sản xuất nông nghiệp còn cao, còn tình trạng người nông dân chạy theo giá cả thị trường trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp; năng lực chế biến, bảo quản còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, tiêu thụ”.

 Đồng chí Cao Văn Cường, Giám đốc sở NN&PTNT Thanh Hóa trả lời chất vấn tại kỳ họp. 

Để khắc phục tình trạng trên, theo đồng chí Cường, các địa phương cần xóa bỏ tình trạng sản xuất nông nghiệp theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng, ruộng nhà ai nhà nấy cày”. Chuyển đổi các diện tích cây trồng kém năng suất, tập trung đất đai, tạo ra vùng nguyên liệu quy mô lớn, có giá trị gia tăng. Đồng thời, mở rộng liên kết sản xuất nông nghiệp với các nhà máy, công ty để tạo ra chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững. Xây dựng, các sản phẩm đặc trưng, có giá trị kinh tế của từng vùng miền. Tập trung chỉ đạo sản xuất rải vụ để tránh tình trạng ùn ứ nông sản, cung vượt quá cầu. Đầu tư nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, tạo ra giá trị chất lượng và thương hiệu cho thị trường. 

Về giải pháp có tính chiến lược để đưa ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, đồng chí Cường nhấn mạnh: “Trước mắt và lâu dài, cần tiếp tục giữ ổn định diện tích lúa, nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Mặt khác, tránh tình trạng “mặc đồng phục” cho các vùng sản xuất, mà phải căn cứ điều kiện khí hậu, đất đai từng vùng để phát triển các loại cây trồng phù hợp; tạo tính liên kết đầu ra sản phẩm; tập trung đẩy mạnh các vùng nguyên liệu đặc trưng có lợi thế của tỉnh (cây cói, nếp cái hoa vàng, cây quế…); nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã trong hoạt động, liên kết với các hộ dân để hình thành vùng sản xuất lớn, tập trung; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra đột phá chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Tổ chức các hội nghị cung cầu, đưa nông sản Thanh Hóa đến với bạn bè trong nước và quốc tế; rà soát, sửa đổi chính sách tích tụ tập trung đất đai.

Tích tụ đất đai, đẩy mạnh công nghiệp chế biến

Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ tập trung 16.240 ha đất nông nghiệp; chuyển đổi gần 11.140 ha đất lúa, gần 3.270 ha đất trồng mía, 1.412 ha đất trồng sắn, gần 4.970 ha đất trồng cao su; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp liền kề thành những vùng sản xuất tập trung, mở rộng và phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn và nâng cao hiệu quả kinh tế theo đúng định hướng, hình thành các chuỗi giá trị, gắn với các cơ sở chế biến và tiêu thụ.

Sau tích tụ, đã hình thành những vùng sản xuất lớn với nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng và tham gia vào thị trường xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 236 sản phẩm OCOP, trong đó 92 sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt được xếp hạng từ 3 sao trở lên (chiếm 38,98%)…

Mặc dù là tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn trong phát triển nông nghiệp, tuy nhiên theo một số đại biểu, hiện nay nhiều sản phẩm nông, lâm nghiệp còn khó khăn cho việc tìm đầu ra. Do đó việc thu hút đầu tư các nhà máy chế biến tại các địa phương là hết sức cần thiết nhằm giải quyết đầu ra cũng như tạo việc làm, thu nhập ổn định cho bà con nông dân. 

Để giải quyết những bất cập trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho rằng, trước hết cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng quan hệ sản xuất bền vững giữa người nông dân với doanh nghiệp, trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ khó khăn. Ban hành cơ chế chính sách đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Mô hình trồng rau chất lượng cao tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Cần nhiều giải pháp giải pháp căn cơ cho phát triển nông – lâm nghiệp hiện đại, bền vững và hiệu quả.

Kết luận phần chất vấn của Giám đốc sở NN&PTNT, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao về chất lượng các chất vấn của đại biểu và phần tiếp thu, trả lời của đồng chí Cao Văn Cường.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng kết luận phần chất vấn đối với Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa. 

Theo đồng chí Đỗ Trọng Hưng thì ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần đặc biệt quan tâm vào mấy vấn đề đó là: Ngoài việc quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tam nông, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá yêu cầu ngành nông nghiệp phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 phù hợp với thực tiễn, tạo động lực cho sản xuất; rà soát, điều chỉnh các vùng sản xuất tập trung, tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; khẩn trương chuẩn bị các đối tượng cây trồng, vật nuôi ở các lĩnh vực sản xuất theo hướng quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thương hiệu sản phẩm; Kịp thời hoàn thiện và triển khai thực hiện các phương án sắp sếp tổng thể, đổi mới các công ty nông – lâm nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xây dựng sàn giao dịch nông sản, kết nối tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh xây dựng thương hiệu, sản phẩm nông sản, quảng bá sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng, thiết lập mã vùng trồng, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, đăng ký bảo hộ, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu… cho nông, lâm sản; tạo điều kiện tốt hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, HTX theo hướng hợp tác, liên kết, hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh: Tăng trưởng trong nông – lâm nghiệp có tính chất đặc thù trong việc tạo ra của cải vật chất cho xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho bộ phận lớn người dân trong tỉnh. Trách nhiệm đặt ra cho cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan phải có giải pháp căn cơ cho phát triển nông – lâm nghiệp hiện đại, bền vững và hiệu quả.

Nguồn: Hoàng Khánh Trình – https://www.qdnd.vn/