Những năm trước đây, diêm dân ở Ninh Thuận chủ yếu làm muối nhỏ lẻ, thủ công bằng cách bơm nước biển vào ruộng để muối kết tinh trên nền đất. Với cách làm này, một vụ muối mất khoảng 1 tháng để chuẩn bị cho các công đoạn. Tuy tiết kiệm được chi phí đầu tư nhưng muối nền đất thường lẫn tạp chất, chưa kể kho chứa muối đa phần tạm bợ và khi có sản phẩm bà con diêm dân thường bán ngay để trang trải cho sinh hoạt nên giá muối thường thấp khi vào chính vụ.
Cách làm mới tạo ra sản phẩm chất lượng
Tại HTX muối Phương Hải, xã Phương Hải, huyện Ninh Hải, ông Trần Ngọc Chiến Giám đốc HTX cho biết hiện trên địa bàn xã Phương Hải có trên 90ha ruộng muối, HTX đang liên kết, thu mua muối của hơn 40 hộ với diện tích trên 40ha, sản lượng thu mua hàng tháng từ 2.000-3.000 tấn muối.
Trước đây, bà con ai mua thì bán, nay có HTX thu mua giúp ổn định giá cả. Ngoài ra, HTX hỗ trợ thêm ít vốn giúp bà con làm đường sá vận chuyển muối, mở rộng diện tích sản xuất muối đẹp.
Để nâng cao giá trị hạt muối, nhiều bà con diêm dân đang mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư công nghệ trải bạt, đóng giếng sử dụng nước ngầm, mở rộng diện tích sản xuất muối trải bạt.
Chi phí đầu tư ban đầu cho 1 sào muối trải bạt khoảng trên dưới 100 triệu đồng, tùy thuộc chất lượng bạt sử dụng. Một đợt làm muối trải bạt kéo dài 7-10 ngày, đủ thời gian để nước biển “đóng hạt” kết tinh hạt muối trắng đẹp, khô ráo.
Muối trải bạt có giá bán cao hơn so với muối nền đất do đây là nguồn nguyên liệu sạch để các doanh nghiệp chế biến thành muối tinh chất lượng cao.
Diêm dân Mai Ngọc Minh ở xã Phương Hải, huyện Ninh Hải cho biết, gia đình đang làm 1,5ha ruộng muối, muối nền đất khoảng 7 ngày là thu một lần, một tháng thu hoạch từ 90-100 tấn muối, giá muối bán cho HTX 700-900 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 55 triệu đồng, với số tiền lãi này gia đình tôi đã ổn định cuộc sống, không còn trong diện hộ nghèo của xã.
“Làm muối đất thì cần phải đầm nền, tạo “da” mặt ruộng cho cứng, còn muối trải bạt thì chi phí đầu tư ban đầu có cao hơn nhưng rất tiện, mình chỉ cần lấy mặt bằng rộng, đo bạt rồi trải. Muối bạt cho chất lượng cao hơn muối truyền thống, hạt trắng, to, ráo nước, giá bán luôn cao hơn”, Diêm dân Mai Ngọc Minh nói.
Ông Nguyễn Khắc Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho hay, những những năm gần đây, diêm dân trong huyện đã áp dụng sản xuất muối chất lượng cao bằng phương pháp trải bạt nhựa (muối sạch) trên sân kết tinh.
Phương pháp này không chỉ cho năng suất gấp đôi mà muối cũng được bán với giá cao hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống vì chất lượng tốt hơn.
Do đó, huyện đã khuyến khích, hỗ trợ bà con diêm dân đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất muối sạch, thành lập các HTX, tổ hợp tác để hỗ trợ diêm dân trong cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm muối làm ra, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ lần thứ XII của huyện.
Sản xuất muối sạch trên cánh đồng muối phơi cát
Ngoài đầu tư công nghệ trải bạt, tại HTX muối Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất muối, HTX đã áp dụng công nghệ sản xuất muối sạch theo phương pháp phơi cát truyền thống cải tiến.
Ông Trần Thanh, Giám đốc HTX chia sẻ, công nghệ sản xuất đã cho sản phẩm sạch có năng suất cao hơn sản xuất muối thường 2 – 3 lần, đạt chất lượng muối thượng hạng theo tiêu chuẩn TCVN 3974-84, thu nhập của người làm muối tăng 2-2,5 lần, giúp nhiều hộ thành viên vươn lên thoát nghèo, sản phẩm được tiêu thụ hết. Cùng với đó, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm muối sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
HTX đã đầu tư kinh phí cho việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng và cải tạo 15 ha đồng muối. Hệ thống kênh mương cấp nước biển, sân phơi cát, ô chạt lọc nước, ô kết tinh muối, hệ thống xử lý lắng lọc nước chạt đã được cải tạo nâng cấp, xây dựng mới phù hợp với quy trình sản xuất muối sạch.
Nước biển, qua hệ thống thuỷ lợi, cống, mương dẫn cấp 1, 2, 3 ngấm chảy xuống lòng sân phơi cát, nhờ hiện tượng mao dẫn tự nhiên, nước mặn thấm vào bề mặt hạt cát, dưới ánh nắng mặt trời, nước bị bốc hơi, muối kết tụ lại trên bề mặt hạt cát. Lúc này, diêm dân thu cát vào thiết bị lọc, lấy nước biển hoà tan muối kết tụ trong cát, thu được nước chạt, đưa nước chạt từ hệ thống đã được lắng lọc đổ lên ô kết tinh, tiếp tục phơi nắng đến khô nước, hạt muối kết tinh, diêm dân tiến hành nạo muối thu hoạch và bảo quản.
Việc ứng dụng công nghệ sản xuất muối sạch trên đồng muối phơi cát tại HTX đã góp phần tăng thu nhập cho bà con đạt 110 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận thu được từ sản xuất muối sạch đạt 63 triệu đồng/năm, nhiều hộ thành viên đã vươn lên làm giàu từ muối.
“Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội vùng biển, giải quyết việc làm ổn định cho diêm dân”, ông Trần Thanh nói.
Về định hướng phát triển các HTX sản xuất và chế biến muối của tỉnh trong thời gian tới, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường, tiếp thị sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng website,…trong kế hoạch hàng năm. Bố trí kinh phí triển khai xây dựng mô hình, đào tạo nghề, kiểm tra, hướng dẫn các HTX, ngành nghề nông thôn, diêm nghiệp áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất.
“Tập trung phát triển sản xuất theo các liên kết cánh đồng lớn, trong đó các HTX làm nòng cốt và cung ứng các dịch vụ chung cho thành viên để hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, nhằm cải thiện đời sống cho người diêm dân”, ông Đặng Kim Cương nói.
Nguồn: trangtraiviet.danviet.vn