Tìm lời giải cho vấn đề “Môi trường thủy sản”

Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn ra hết sức căng thẳng, không chỉ ảnh hưởng đến các loài động vật trên cạn, mà dưới biển cũng đang phải chịu những hậu quả nặng nề từ vấn đề trên.

Môi trường ảnh hưởng như thế nào trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Tép Bạc

Chính vì thế, phải nhanh chóng đề ra những giải pháp để giảm thiểu hết mức thiệt hại và thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngành nuôi trồng thủy sản. 

Bài toán cần giải? 

Đi đôi với việc phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trong những năm gần đây thì việc mà người nuôi trồng phải gia tăng lượng hóa chất và kháng sinh cũng ngày càng nhiều. Chính điều đó đã tác động lớn đến hầu hết các môi trường nuôi thủy sản của bà con nông dân, gây ra tình trạng ô nhiễm và suy thoái tại nơi đây, khiến cho môi trường nước bị ô nhiễm cực kì nghiêm trọng và gây ra nhiều hệ lụy xấu đến nguồn đa dạng sinh học trong nuôi trồng thủy sản. 

Theo một số nghiên cứu cho thấy rằng, chất lượng của nguồn nước đang có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ trong các ao nuôi thủy sản bao gồm nuôi tôm ven biển, cá nước ngọt và đặc biệt là trong các mô hình ao nuôi công nghiệp khác. Điều này sẽ để lại hậu quả rất lớn khi các chất độc cũng như những mầm bệnh sẽ tiếp tục lây lan và tồn tại trong ao nuôi khiến cho việc nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân sẽ ngày càng khó khăn hơn trong việc phát triển giống nuôi và đạt được hiệu quả cao trong chất lượng thủy sản để xuất khẩu. 

Lời giải dài hạn. 

Nhìn thấy được tầm quan trọng về kinh tế mà ngành nuôi trồng thủy sản mang lại cho bà con cũng như đất nước, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 911/QĐ-TTg phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, vào ngày 29/07/2022, với mục tiêu chính là kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường;… 

Nhưng để làm được điều đó, đề án cũng đã đưa ra rất nhiều nhiệm vụ cần phải thực hiện giữa người nuôi cũng như các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau như: Rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản; chủ động phòng ngừa, quản lý, kiểm soát nguồn ô nhiễm;…

Nâng cao ý thức chính là giải pháp quan trọng hàng đầu. Ảnh: baoquangninh.com.vn 

Cùng với đó người dân cũng cần phải nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản đối với các bên có liên quan; phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ trong hoạt động thủy sản, trong xử lý chất thải từ các hoạt động thủy sản;  Đầu tư xây dựng hạ tầng đảm bảo việc xử lý, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải; mạng lưới quan trắc môi trường thủy sản,… Đó chính là những giải pháp đã được đề ra trong quyết định chính thức của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký về Quyết định số 911/QĐ-TTg kể trên. 

Ngoài ra, cần phải có sự tham gia phối hợp chặt chẽ hơn đến từ các cấp, các ngành, chính quyền phải luôn theo dõi, vận động công tác tuyên truyền, hướng dẫn cũng như giúp cho người dân ngày càng tự nâng cao ý thức của mình; luôn nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác kiểm tra, thẩm định và phê duyệt những báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. Tăng cường thêm những hoạt động quan trắc môi trường định kỳ, giám sát cảnh báo những môi trường ở các vùng nuôi tập trung, vùng cửa sông,.. để kịp thời xử lý những tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi thủy sản nếu có để tránh gây thiệt hại đến kinh tế của bà con nông dân.

Nguồn: tepbac.com