Độc đáo tinh hoa của biển được làm từ ‘nước thải’ muối

TPO – Xuất phát từ những giọt nước thải ra trong quy trình làm muối bằng công nghệ thủ công của bà con diêm dân, vợ chồng anh Vinh đã tạo ra sản phẩm muối giảm mặn độc đáo và đạt giải nhiều cuộc thi trong và ngoài tỉnh.

Đứng kiểm tra công đoạn sản xuất muối Nanosalt trong xưởng, chị Trần Thị Hồng Thắm (SN 1992, trú xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho hay, các công nhân đang đóng gói muối để kịp giao cho các đơn hàng. Hiện các sản phẩm muối của chị Thắm đã có mặt hầu hết tại các hệ thống siêu thị lớn, các hệ thống phân phối, cửa hàng sạch, tiện lợi trên toàn quốc.

Các công nhân trong xưởng đang làm muối giảm mặn từ loại nước thải ra trong quá trình làm muối thủ công của bà con diêm dân.

“Chúng tôi ứng dụng 3 bằng sáng chế Khoa học công nghệ độc quyền để chế biến các sản phẩm gia vị muối ăn và muối dược liệu tốt cho sức khỏe, có giá trị cao từ 100% khoáng biển tự nhiên”, chị Thắm chia sẻ và cho hay, đây là loại muối giảm mặn, có hàm lượng natri thấp đến 50% nhưng giàu khoáng magie, kali tự nhiên mà không làm thay đổi vị mặn truyền thống của gia vị.

Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nổi tiếng nghề muối đã có từ lâu đời. Tuy vậy, nghề muối rất vất vả, thu nhập chẳng đáng là bao nên nhiều người không còn mặn mà với nghề. Nhiều người ở độ tuổi lao động đã tìm cách xoay chuyển sang nghề khác… nên ở làng nghề hiện chỉ còn người già và học sinh.

Nước ót dư thừa trong quá trình làm muối trước đây bị bà con diêm dân đổ bỏ nay được vợ chồng chị Thắm mua về để sản xuất muối.
Để sản xuất ra được loại muối này, vợ chồng chị Thắm cho biết đã mất nhiều năm để sáng chế ra máy móc thiết bị phân tách muối khoáng từ loại nước thải này và được cấp 3 bằng sáng chế.

Trăn trở với hạt muối quê hương và được sự ủng hộ của người chồng là “vua sáng chế” kỹ sư Hồ Xuân Vinh, chị Thắm đã làm ra loại muối giảm mặn giàu khoáng chất chỉ từ phụ phẩm bỏ đi của người làm muối.

Chị Thắm chia sẻ, khi tiếp cận quá trình làm muối của diêm dân, chị thấy họ chỉ thu lại muối hạt, còn nước ót (phần nước dư thừa nhỉ ra sau khi thu hoạch muối hạt) lại đổ bỏ. Chị Thắm đưa nước ót này đi kiểm định mới nhận ra bên trong có đến 60 khoáng chất có lợi cho sức khỏe.

Vợ chồng chị Thắm đã sản xuất ra loại muối giảm mặn độc đáo, có giá trị dinh dưỡng cao.

“Đây chính là “tinh hoa của biển”, là những gì tinh túy nhất của quá trình làm muối nên chúng tôi gọi đó là “mật muối”. Còn người dân gọi là nước ót, là nước thải bỏ đi”, chị Thắm chia sẻ và cho biết, hai vợ chồng đã suy nghĩ làm sao để khai thác được giá trị dinh dưỡng từ loại nước thải bỏ đi này vừa giúp người dân có thêm sản phẩm bán vừa nâng giá trị muối lên.

Suốt 5 năm trời, vợ chồng chị Thắm đi nhiều nơi, đến nhiều vùng làm muối để gặp diêm dân, gặp nhiều chuyên gia trong và ngoài nước để nghiên cứu những kinh nghiệm sản xuất muối.

Khi nắm bắt được quy trình sản xuất ra muối từ loại nước này, vợ chồng Thắm lại bắt tay vào thiết kế, sáng chế các dây chuyền thiết bị kèm theo, để sản xuất theo dây chuyền sản lượng lớn.

Loại muối giảm mặn này của vợ chồng chị Thắm đã được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

“Làm thế nào để phân tách được từng loại muối khoáng khác nhau từ mật muối. Rồi nguyên lý nào để làm. Loại nào, công đoạn nào thì dùng nhiệt nóng hay nhiệt lạnh để áp dụng trong quá trình sản xuất muối…”, chị Thắm tâm sự. Phải mất nhiều năm vợ chồng chị mới chính thức sáng tạo ra công nghệ phân tách đa tầng khoáng biển từ mật muối độc đáo của riêng mình. Công nghệ, dây chuyền thiết bị đi kèm này cũng đã được cấp 3 bằng sáng chế.

Theo chị Thắm, mỗi năm người làm muối ở Quỳnh Lưu dư thừa khoảng 30.000 tấn mật muối. Ngày trước người dân đổ bỏ đi, nhưng nay vợ chồng chị Thắm đặt mua thứ nước dư thừa này của người dân với giá 500-600 đồng/1kg, bằng một nửa giá muối thô.

“Bước đầu thành công, niềm vui nhất không phải là doanh thu mà chúng tôi thấy được niềm tự hào, là hồn cốt của những đồng muối quê hương được nhiều người biết đến”, chị Thắm chia sẻ.

“Trước thì khoảng 30.000 tấn chảy ra môi trường vừa lãng phí, vừa ô nhiễm. Nay, chúng tôi thu mua lại, diêm dân có thêm 50% thu nhập từ phụ phẩm của muối mà trước đây bị bỏ phí, vứt đi”, kỹ sư Hồ Xuân Vinh – chồng chị Thắm cho biết.

Hiện vợ chồng chị Thắm đã tạo ra 4 dòng sản phẩm muối giảm mặn, với 22 sản phẩm chủ lực, có 3 sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP từ hạt muối Quỳnh Lưu.

Các sản phẩm từ muối của vợ chồng Thắm bước đầu được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Đã có 15.000 sản phẩm được bán ra trong 6 tháng qua.

Nguồn: tienphong.vn