Nước ta hiện nay có hơn 5000 làng nghề và làng có nghề. Đây là khu vực góp phần không nhỏ trong cơ cấu kinh tế nông thôn, có số lượng lao động rất lớn. Tạp chí Làng nghề Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế về vấn đề cải thiện môi trường làng nghề và chăm sóc sức khỏe cho người dân .
PV: Thưa đồng chí Thứ trưởng, Bộ Y tế có kế hoạch như thế nào nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân và cải thiện môi trường làng nghề Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế – Nguyễn Thị Liên Hương:
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vào giữa tháng 11/2021, cả nước có hơn 5000 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 1.951 làng nghề đã được công nhận tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Các làng nghề thường được phân loại theo các nhóm sản phẩm bao gồm: Chế biến lương thực, thực phẩm; dệt nhuộm, tơ tằm; tái chế chất thải và phế thải; sản xuất vật liệu xây dựng và thủ công mỹ nghệ. Làng nghề phát triển đã giúp cho việc giải quyết công ăn, việc làm tại chỗ, tận dụng thời gian và lực lượng lao động ở nông thôn; tăng thu nhập cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân và xây dựng nông thôn mới. Làng nghề cũng đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích nêu trên, hoạt động của các làng nghề phát sinh các vấn đề môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động và cộng đồng. Hiện nay còn nhiều làng nghề có đặc điểm là khu sản xuất nằm xen lẫn với khu dân cư nên không chỉ người trực tiếp tham gia sản xuất mà cả người dân trong vùng cũng chịu tác động xấu của môi trường lên sức khoẻ. Các yếu tố nguy hại ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người lao động ở làng nghề có thể bao gồm: Yếu tố vật lí (vi khí hậu, ánh sáng, ồn, rung….); yếu tố bụi; yếu tố hơi khí độc (CO, SO2, NO2, kim loại, acid, dung môi hữu cơ….); Đối với mỗi loại hình làng nghề thường có các yếu tố nguy cơ đặc trưng vì vậy có tác động khác nhau đến sức khoẻ và cần có các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường khác nhau.
Vấn đề bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho người lao động, người dân tại khu vực làng nghề đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư trong thời gian qua. Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ/ngành và đơn vị liên quan triển khai một số giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của các yếu tố có hại trong môi trường lao động tại làng nghề đối với sức khoẻ người lao động và người dân trong cộng đồng.
Từ năm 2015 Bộ Y tế đã có văn bản số 3448/BYT-MT ngày 28/5/2015 gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các làng nghề. Trong đó nêu rõ, ngành Y tế chủ trì phối hợp với các Sở ngành liên quan: Tổ chức kiểm tra, khám sức khỏe cho người dân và người lao động tại làng nghề để kịp thời phát hiện và điều trị sớm các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm môi trường gây ra, điều tra xác định các yếu tố nguy cơ có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân tại các làng nghề để có biện pháp phòng chống và xử ly kịp thời; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân và người lao động tại các làng nghề về các quy định an toàn vệ sinh lao động, các biện pháp vệ sinh phòng, chống bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra.
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18 tháng 9 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020, Phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 – 2030. Mục tiêu của Quyết định số 659/QĐ-TTg nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động, khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, phòng, chống bệnh tật và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có giao cho các Bộ/ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện trong đó có giao thực hiện các mục tiêu và chỉ số cơ bản về kiểm soát môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động đảm bảo môi trường lao động an toàn, vệ sinh và phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng và triển khai thí điểm mô hình dịch vụ y tế lao động cơ bản cho doanh nghiệp nhỏ, vừa, làng nghề và cho người lao động không có hợp đồng lao động. Công tác giáo dục và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (O2TV, một số chương trình của VTV, VOV…) về yếu tố tác hại đối với sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, chính quyền các cấp trong công tác bảo vệ môi trường cũng như môi trường lao động làng nghề đã được triển khai thường xuyên, rộng rãi trong thời gian qua. Người lao động và người sử dụng lao động tại làng nghề được tuyên truyền về việc: Trang bị, sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ và phù hợp trong quá trình lao động như quần áo, khẩu trang, kính, mũ, giày, găng tay, nút tai,… nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của các yếu tố có hại đối với sức khỏe người lao động; khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 1 năm/lần để đánh giá tình hình sức khỏe, các bệnh liên quan đến nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp (nếu có), kịp thời có các biện pháp điều trị, dự phòng hợp lý, từng bước kiểm soát bệnh tật đối với người lao động tại khu vực làng nghề. Ngoài ra việc quản lý sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động sẽ được lồng ghép trong hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tại tuyến xã.
Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng và sắp tới sẽ ban hành Thông tư Quy định nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe do Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện. Trong đó có các nội dung chăm sóc sức khỏe cho người dân và người lao động tại các làng nghề ở nông thôn bao gồm các nội dung sau: Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; phòng chống bệnh không lây nhiễm; phòng chống bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS; dịch vụ về dinh dưỡng; bảo đảm an toàn thực phẩm; sức khỏe môi trường, phòng chống tai nạn thương tích, sức khỏe lao động; nhóm dịch vụ về quản lý hồ sơ sức khỏe; nhóm dịch vụ về truyền thông y tế – dân số…
Ngoài ra việc thường xuyên nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong ngành y tế đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở, củng cố bộ máy, cơ sở vật chất, nhân lực cho y tế cơ sở trong thời gian qua cũng góp phần thiết thực đáp ứng các nhu cầu khám chữa bệnh thông thường và kiểm soát một số bệnh không lây nhiễm ngay từ tuyến xã.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới. Đây sẽ là căn cứ để Chính phủ và các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có thể tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân và người lao động tại làng nghề.
PV: Để nâng cao hơn nữa chất lượng khám bệnh và chữa bệnh ở các vùng làng nghề? Ngành y tế sẽ triển khai các giải pháp gì trong thời gian tới?
Thứ trưởng Bộ Y tế – Nguyễn Thị Liên Hương:
Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn… Việc đầu tư, phát triển y tế cơ sở trong những năm qua ở các vùng, miền đã cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Bộ Y tế và các địa phương đối với mọi thành phần trong xã hội, trong đó có người dân và người lao động ở các xã, huyện đang sinh sống tại các làng nghề. Với việc đầu tư như vậy đã giúp cho việc khám bệnh, chữa bệnh của người dân ngày một tốt hơn ngay tại tuyến y tế cơ sở, giảm quá tải tuyến trên…ngành y tế sẽ phối hợp tốt với các Bộ ngành liên quan, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho người dân vùng làng nghề.
Khi tham gia BHYT, người dân sẽ được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ các chi phí khám chữa bệnh BHYT theo quy định, không bị giới hạn về tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ, số ngày điều trị và tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT. Luật BHYT quy định tất cả người dân đều có quyền, có trách nhiệm tham gia BHYT; được quỹ BHYT chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với một số đối tượng và chi phí trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động, học sinh, sinh viên, trẻ em dưới 6 tuổi,… Khi người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh đúng tuyến theo quy định và xuất trình đầy đủ thủ tục KCB BHYT sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% hoặc 95% hoặc 80% chi phí KCB tùy thuộc vào đối tượng tham gia BHYT. Như vậy, người dân tham gia BHYT (bao gồm nghệ nhân làng nghề có tham gia BHYT), khi đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nói chung, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập nói riêng được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ các chi phí khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi quyền lợi mức hưởng theo quy định.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 quy định Chính phủ ban hành chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Đây là cơ sở pháp lý để Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, ngành triển khai thực hiện.
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT: Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ thì sẽ được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú hướng dẫn và lập danh sách theo quy định.
Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân làng nghề (không phải là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú). Tuy nhiên, đối tượng tham gia BHYT được luật BHYT và các văn bản hướng dẫn quy định đầy đủ, trong đó nghệ nhân làng nghề có thể đã tham gia BHYT và thuộc một trong những đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng hoặc đối tượng được ngân sách địa phương đóng quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.
Trong tương lai, căn cứ tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, khả năng tài chính của ngân sách mà có điều chỉnh những quy định cụ thể đối với từng nhóm đối tượng, trong đó có các nghệ nhân ở các làng nghề. Khi có chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, Bộ Y tế sẽ cùng với các Bộ, ngành có liên quan sẽ nghiên cứu, đề xuất, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Thứ trưởng.
Nguồn: langngheviet.com.vn