Việt Nam nhiều tiềm năng sản xuất muối nhưng hàng năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu cả trăm ngàn tấn muối. Trong khi đó, muối nội địa giá trị thấp, tồn kho nhiều, diêm dân vẫn phải sống nhọc nhằn trên những cánh đồng muối trắng. Người làm muối xót xa khi nói rằng 3 kg muối mới được cốc trà đá. Vì sao chúng ta phải nhập khẩu muối? Giải pháp nào để diêm dân có thể sống được với nghề?
Theo ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành muối. Chúng ta có hệ thống các cánh đồng muối lớn từ Bắc vào Nam như đồng muối Tam Đồng ở Thái Bình, Bạch Long (Nam Định) hay Quỳnh Lưu, Vĩnh Ngọc (Nghệ An) rồi muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), muối Hòn Khói (Khánh Hòa); rồi vào trong nữa là Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre) với những diện tích lớn. Những cánh đồng muối này được hình thành từ đầu thế kỷ 20 và đã trở thành những di sản.
Diện tích đồng muối giảm, nhiều diêm dân bỏ nghề
Tiềm năng là vậy, nhưng hỏi diêm dân có sống khỏe, có làm giàu trên cánh đồng muối không thì câu trả lời chắc chắn là chưa thể. Ông Thịnh cho rằng, do giá trị hạt muối chưa cao, chưa có đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế của địa phương nên các địa phương hầu như chưa chú trọng phát triển hạ tầng cho nghề muối. Hiện cách làm muối của ta phụ thuộc vào hệ thống thủy lợi. Thế nhưng một thời gian dài chúng ta không có hỗ trợ đầu tư.
“Việc này một doanh nghiệp, một làng, một hợp tác xã không thể làm được” – ông Thịnh nói và cho biết, khó khăn nữa là mô hình tổ chức sản xuất. Ở các nước, người ta định vị muối là sản phẩm thiết yếu và duy trì mô hình các Tổng công ty muối. Nhưng Việt Nam giờ không có Tổng công ty muối, bởi chúng ta cổ phần hóa. Mô hình này có ưu điểm là huy động vốn, nhưng câu chuyện điều tiết lợi ích giữa diêm dân với doanh nghiệp lại không hiệu quả. Ngoài ra, hiện đa phần các nhà máy đều tập trung cho sản xuất muối thô là chính, chưa quan tâm tới việc đa dạng hóa các sản phẩm về muối. Phải đa dạng hóa sản phẩm (muối ăn, muối cho công nghiệp, muối cho spa, muối y tế, muối để làm đẹp) thì mới có thể nâng cao giá trị cho hạt muối, diêm dân mới có thể khá giả từ nghề làm muối.
Ở nhiều vùng chuyên canh muối, thời gian qua xuất hiện nhiều cánh đồng bỏ hoang hoặc chuyển đổi diện tích sang nuôi tôm. Nếu năm 2011, cả nước có 21.000ha muối, gần 50 nghìn lao động làm muối, 21 nghìn hộ dân làm muối thì tính đến tháng 9/2023, sau khoảng hơn 10 năm, hiện còn 13.500ha muối đang sản xuất. Xu hướng chung diện tích muối của Việt Nam đang giảm; diêm dân từ 50 nghìn hiện còn 19 nghìn và 9.500 hộ sản xuất.
Nguyên nhân là do quy hoạch thủy lợi chưa được chú trọng đầu tư, nhưng quan trọng hơn là giá muối rẻ quá. Làm muối rất nặng nhọc nhưng diêm dân chưa nhận được chính sách hỗ trợ. Cùng đó là tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, mưa trái mùa liên tục, sản xuất khó, lại thiếu kho chứa dự trữ… Diêm dân trăm bề khó, việc bỏ ruộng là điều khó tránh khỏi.
Nhập khẩu nhưng vẫn hy vọng xuất khẩu
Trước câu hỏi: Thời gian qua nhiều người băn khoăn khi hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu cả trăm nghìn tấn muối. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) trong lần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nói: “Một đất nước có biển như thế này, nắng như thế này, kinh nghiệm của người dân làm muối như thế này mà vẫn phải nhập khẩu muối, tôi cảm thấy rất đau lòng” – ông Lê Đức Thịnh cho biết: Việt Nam giai đoạn này cần khoảng 1,6 triệu tấn muối, nhưng năng lực của chúng ta đang sản xuất khoảng 1- 1,2 triệu tấn. Hay như năm ngoái chúng ta sản xuất khoảng 700 nghìn tấn/năm do mất mùa. Sản xuất như vậy, nhu cầu như vậy thì phải nhập khẩu muối là việc không tránh được.
“Tôi hiểu được những ý kiến băn khoăn, tại sao chúng ta có tiềm năng sản xuất muối nhưng vẫn phải nhập khẩu muối. Về vấn đề này, tôi cần phải chia sẻ thêm để mọi người hiểu, có những loại muối buộc chúng ta phải nhập khẩu, như muối công nghiệp. Kể cả chúng ta có sản xuất được 1,6 triệu tấn muối thì chúng ta vẫn phải nhập khẩu một lượng muối nhất định. Ngoài ra, nhập khẩu là cơ chế thị trường, ở đâu rẻ, ở đâu phù hợp thì nhập. Chúng ta hy vọng nhập khẩu muối công nghiệp nhưng sẽ xuất khẩu muối thực phẩm vì chúng ta rất có tiềm năng, hạt muối của chúng ta có nhiều vi chất nên được một số nước rất ưa chuộng” – ông Thịnh cho biết.
Về giải pháp “định vị lại” giá trị hạt muối Việt Nam, theo ông Thịnh, việc cần làm lúc này là phải tổ chức được diêm dân hợp tác với nhau để sản xuất, tạo quy mô lớn, sản xuất muối sạch hơn, xây dựng các kho trữ muối để tránh tình trạng dội mùa, “tránh tình trạng hạt muối khó nhọc làm ra mà bà con phải tặc lưỡi, đắt rẻ cũng phải bán”. Đối với muối thủ công, thế giới cũng phải có những hiệp hội để quảng bá tiêu chuẩn, chất lượng, sau đó người ta quảng bá, bán hàng cho diêm dân. Thay vì mình bị thương lái ép giá, hoặc phụ thuộc, không có sự điều tiết của các bên thì bà con có thể chủ động nếu có sự hỗ trợ như một số nước đã làm.
Ông Thịnh cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án về phát triển nghề muối, trên cơ sở đó Bộ NN&PTNT đã có quyết định 1766 ngày 7/7/2022 với chủ trương sẽ xây dựng các vùng muối tập trung. Những khu vực nào có thế mạnh về muối, sẽ được đầu tư hạ tầng, giúp tổ chức sản xuất, như HTX, Tổ hợp tác để diêm dân có thể sản xuất theo quy trình muối an toàn.
“Bên cạnh đó phải đa dạng hóa sản phẩm. Hiện nay chúng ta có khoảng hơn 3.000ha muối công nghiệp, cần phải khuyến khích muối công nghiệp tăng năng suất thông qua các giải pháp khoa học công nghệ. Còn muối thực phẩm thì phải đa dạng hóa, để tạo ra loại muối có thể sử dụng cho thực phẩm và đặc biệt muối y tế, muối làm đẹp, muối sức khỏe… Cùng đó là tích hợp các giá trị, bảo tồn các làng nghề sản xuất muối. Hiện nay Bộ NNPTNT cũng đang có chương trình du lịch chuyên đề nông thôn mới, kết hợp cho muối và du lịch” – ông Thịnh nói và nhấn mạnh, trong quá trình đó cần xây dựng liên kết giữa nhà máy với vùng nguyên liệu. Hiện nay có các nhà máy đã có vùng nguyên liệu và diêm dân ở đấy người ta sống rất “khỏe”. Việc chia sẻ lợi nhuận với người dân, vừa ổn định giá cả và đầu ra là cách làm phải hướng đến.
Không để diêm dân chỉ sống bằng hạt muối
Theo ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn: Chúng ta không chỉ để nông dân sống bằng muối, muối phải đi với du lịch, muối với phải đi các sản phẩm chế biến. Tất cả các vùng muối của Pháp, của Áo, họ sống chuyên bằng muối. Mỗi hộ có diện tích chứa hàng trăm tấn muối. Chúng ta không thể làm thế được nhưng để diêm dân sống được bằng nghề thì phải tích hợp nhiều giá trị khác nữa. Đó chính là một trong những giải pháp để bà con không phải đổ mồ hôi trên các cánh đồng muối mà cuộc sống vẫn nhọc nhằn, khó khăn. Phải tính tới việc diêm dân có thể làm giàu trên cánh đồng muối của mình.