Ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải vẫn tăng hằng năm. Mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng cả về phạm vi và mức độ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân bốn tỉnh, thành phố trong khu vực gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội.
Khó kiểm soát được các nguồn xả thải
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có 231 km kênh trục chính, trong đó có các tuyến kênh lớn chảy qua địa phận các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên như: Kim Sơn, Cửu An, Điện Biên, Tây Kẻ Sặt, Nam Kẻ Sặt, Đình Dù, Lạc Cầu, Đồng Than, Tràng Kỹ, Đình Đào, Lộng Khê-An Thổ, Lộng Khê-Cầu Xe.
Hiện nay trong “lưu vực” hệ thống Bắc Hưng Hải đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các khu công nghiệp, đô thị, làng nghề, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nhanh nền kinh tế thị trường. Cùng với sự phát triển ấy là tình trạng lấn chiếm, vi phạm công trình, xả rác thải, nước thải gây ô nhiễm nước kênh Bắc Hưng Hải. Tình trạng nêu trên xảy ra ngày càng nghiêm trọng, không thể kiểm soát, đã tác động lớn đến hiệu quả khai thác của công trình và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản của nhân dân.
Theo ông Trịnh Thế Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Công ty Bắc Hưng Hải): Qua số liệu thống kê, hiện nay có 3.589 nguồn thải xả vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải với tổng lưu lượng ước tính hơn 502 nghìn m3/ngày đêm. Trong đó, nước thải sinh hoạt chiếm 58,81%; nước thải công nghiệp chiếm 24,60%; nước thải thủy sản chiếm 7,35%; nước thải chăn nuôi chiếm 5,53%, còn lại là nước thải từ các cơ sở sản xuất kinh doanh, y tế, làng nghề.
Qua thực hiện quan trắc, có tới 75% số vị trí bị ô nhiễm nghiêm trọng; trong đó, cống Xuân Thụy (sông Cầu Bây), cống Ngọc Đà (kênh Kiên Thành) và cống Bình Lâu (kênh T2) qua tất cả các đợt quan trắc, nước ở mức ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Diễn biến ô nhiễm nghiêm trọng cũng tăng mạnh hằng năm. Tỷ lệ mẫu có từ năm thông số trở lên vượt quy chuẩn tăng từ 17,5% năm 2005 lên 69,44% vào năm 2021; tỷ lệ số mẫu bị ô nhiễm nghiêm trọng tăng từ 10,52% năm 2005 lên 75% vào năm 2021.
Theo số liệu thống kê, tổng số nguồn xả thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải thuộc diện phải cấp phép là 1.950 cơ sở. Đến cuối tháng 9/2020 mới có 295 cơ sở được cấp phép xả thải nhưng chỉ có 94 giấy phép còn thời hạn sử dụng. Hằng tháng, Công ty Bắc Hưng Hải tổ chức nhiều lần kiểm tra kênh trục chính, thống kê và phát hiện các hành vi xả thải, giám sát việc xả nước thải vào kênh chính.
Giai đoạn 2021-2023, Công ty đã có nhiều văn bản gửi các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng liên quan về tình trạng ô nhiễm của hệ thống, chỉ ra các nguyên nhân và nêu các kiến nghị xử lý tình hình ô nhiễm nước kênh Bắc Hưng Hải; phối hợp cùng Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm từ năm 2018-2022 đối với 13 đơn vị xả nước thải vào công trình Bắc Hưng Hải.
Nan giải trong xử lý ô nhiễm nguồn nước
Ông Đỗ Tiến Bậc, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Hải Dương cho biết: Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại các công trình thủy lợi, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, tổng hợp, báo cáo, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh về thực trạng tình hình, đề xuất giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi.
Trong vòng một năm (từ 26/7/2022-26/7/2023), với lực lượng công an là nòng cốt, các đơn vị, địa phương đã phát hiện, kiểm tra, xử lý tổng số 165 vụ việc liên quan đến bảo vệ công trình thủy lợi, với tổng số tiền xử phạt gần 3 tỷ 831 triệu đồng. Trong đó, có 88 vụ vi phạm về xả nước thải vượt quy chuẩn, bị xử phạt với số tiền gần 3 tỷ 59 triệu đồng; 77 vụ vi phạm về đổ thải, không có hệ thống xử lý nước thải, không có thủ tục môi trường, xử phạt số tiền 772,1 triệu đồng.
Riêng đối với hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, các ngành chức năng đã mở năm đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi.
Kết quả, đã rà soát, kiểm tra và thu mẫu nước thải của 177 tổ chức, cá nhân; xử phạt hành chính 82 trường hợp với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng; kiểm tra 24 doanh nghiệp sản xuất có hoạt động xả thải trực tiếp hoặc gián tiếp, xử phạt ba cơ sở vi phạm 313 triệu đồng; kiểm tra 24 trạm trộn bê-tông, trong đó có 16 trạm trộn có hoạt động xả thải ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, kiểm tra 29 doanh nghiệp, xử lý phạt hành chính chín tổ chức, cá nhân với số tiền 276,5 triệu đồng.
Gần đây nhất, tháng 11 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã ra quyết định xử phạt ba công ty ở huyện Cẩm Giàng với tổng số tiền phạt là 1 tỷ 158 triệu đồng, do có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho nhân dân.
Ông Trịnh Thế Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bắc Hưng Hải cho biết: Vấn đề ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải là rất trầm trọng nhưng việc xử lý lại hết sức nan giải. Nguyên nhân chính là do nguồn thải chưa được xử lý xả trực tiếp vào hệ thống. Hiện tại chỉ có gần 19% tổng lượng nước thải phát sinh đã được xử lý (trong đó nước thải công nghiệp được xử lý chiếm hơn 60%). Hầu hết nước thải sinh hoạt, làng nghề, chăn nuôi, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chưa được xử lý dẫn đến nguồn thải xả vào hệ thống thủy lợi vượt quá khả năng tự làm sạch tự nhiên của kênh mương, làm cho mức độ ô nhiễm nước ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp và cộng đồng dân cư chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt thay vì phải xử lý nước thải. Các doanh nghiệp sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đủ điều kiện để xử lý nước thải vẫn được phép tồn tại. Tình trạng cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các hộ dân xả nước thải chưa xử lý và rác thải sinh hoạt, vật dụng, xác gia súc, gia cầm vẫn diễn ra phổ biến… dẫn đến việc ô nhiễm môi trường trong hệ thống thủy lợi nói chung, hệ thống Bắc Hưng Hải nói riêng còn phức tạp kéo dài.
Nguồn: nhandan.vn