Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận quan tâm hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi, cũng như đảm bảo các tiêu chí về nước sạch trong xây dựng nông thôn mới.
Thủy lợi bài bản giúp đất sản xuất không bỏ hoang
Đến xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) hôm nay, chúng tôi chứng kiến cuộc sống của người dân thay đổi tích cực, góp phần tô điểm thêm diện mạo nông thôn mới của địa phương. Có khá nhiều biệt thự mọc lên nhờ cây thanh long, đó là điều mà mọi người và chính quyền nơi đây không ai phủ nhận.
Tuy nhiên cây thanh long Bình Thuận phát triển tốt có sự góp công lớn của hệ thống thủy lợi được đầu tư bài bản, đảm bảo cho hoạt động tưới tiêu, giúp năng suất thanh long thu hoạch ổn định. Theo người trồng thanh long ở xã Hàm Hiệp, trung bình 1 ha thanh long cho thu hoạch từ 15-20 tấn/ha/năm, đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp cho biết, toàn xã hiện có khoảng 1.400 ha thanh long được hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu đầy đủ. Ngoài thanh long còn 120 ha lúa và 100 ha cây trồng khác cũng được đảm bảo nước tưới. Đó là một trong những thành quả của địa phương trong quá trình thực hiện tốt tiêu chí thủy lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, đến nay các kênh mương nội đồng hay bị sạt lở trên địa bàn đã được kiên cố hóa. Đối với hệ thống kênh mương chính đi qua đất sản xuất của bà con trên địa bàn cũng được Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đầu tư kiên cố hóa bằng bê tông. Có thể nói, thủy lợi đi đến đâu phục vụ nguồn nước tưới đến đó, đảm bảo khép kín diện tích đất sản xuất không bị bỏ hoang. “Đến nay, tiêu chí thủy lợi trên địa bàn cơ bản đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao”, ông Cường bày tỏ.
Ông Võ Đức Anh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Thuận cho biết, để giúp các địa phương dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới trong từng giai đoạn, tất cả các công trình phục vụ đạt tiêu chí về thủy lợi, nước sạch đều được đưa vào kế hoạch đầu tư công.
Theo ông Võ Đức Anh, thời gian qua toàn tỉnh đã triển khai xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, chú trọng đầu tư các công trình hạ tầng thủy lợi, nước sạch theo mục tiêu đề ra cũng như thực hiện tốt phong trào thi đua làm thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Đến năm 2022, tỉnh Bình Thuận có 72/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ hơn 77%), trong đó xã Trà Tân (huyện Đức Linh) đạt nông thôn mới nâng cao và 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm Phú Quý, Đức Linh.
Nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn
Đối với tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đưa nước sạch về nông thôn phục vụ người dân sinh hoạt.
Theo đó, bên cạnh việc tranh thủ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong đó có vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn vốn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Trung tâm đã đầu tư, nâng cấp mở rộng các công trình cấp nước, đặc biệt là tại các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Sau khi các danh mục dự án công trình cấp nước được đầu tư hoàn thành, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương triển khai lắp đặt đồng hồ nước cho hộ dân sử dụng, nhằm tăng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Ông Trần Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận cho biết, hiện Trung tâm quản lý vận hành 41 công trình cấp nước với tổng công suất thiết kế 54.150 m3/ngày, phục vụ cấp nước trên địa bàn 2 phường, 9 thị trấn và 55 xã. Trong đó có 9 xã vùng cao và 23 thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số, 3 xã hải đảo thuộc 9/10 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Tuy Phong). Tổng số người dân được Trung tâm cung cấp nước sử dụng lên đến trên 80.000 khách hàng.
Theo ông Trần Văn Liêm, đến cuối năm 2022, khu vực nông thôn tỉnh Bình Thuận có 98,85% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 68,89 % hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch. Dự kiến đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ dân nông thôn toàn tỉnh sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,9 %, trong đó 70% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định của Bộ Y tế.
Trong thời gian tới để giúp các địa phương nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt tiêu chí nông thôn mới, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận sẽ tiếp tục rà soát tất cả các khu vực thiếu nước sinh hoạt, nhất là các khu vực có dân cư tập trung. Đồng thời đề xuất đầu tư các công trình nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước hiện có hoặc đầu tư mới và lập danh mục các công trình đầu tư theo thứ tự ưu tiên.
Từ đó Trung tâm tham mưu bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn khác để đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn từ 2026 đến 2030 và sau 2030. Trong đó, ưu tiên đầu tư các nhà máy nước có công suất từ 5.000 – 10.000 m3/ngày đêm, đặt gần khu vực các công trình thủy lợi (hồ chứa, kênh chính,..) để cung cấp nước sạch cho liên xã, huyện đảm bảo an toàn nguồn nước, cấp nước an toàn và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và hoàn thành dự án nhà máy nước huyện Hàm Thuận Bắc với công suất 10.000 m3/ngày thuộc nguồn vốn vay ODA của Italia, nhằm cung cấp nước nguồn nước sạch cho người dân 13/17 xã, thị trấn thuộc huyện Hàm Thuận Bắc.
Ông Võ Đức Anh kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ địa phương nguồn kinh phí lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để đầu tư hoàn thiện việc nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước tại các công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn; đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và kiên hóa kênh mương nội đồng tại các xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn từ nay đến 2025.
Nguồn: nongnghiep.vn