Bảo vệ môi trường làng nghề Hà Nội: Cần có giải pháp khu trú, quy hoạch rác thải

Ngày 22/5, Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) đã hợp tác tổ chức chương trình khảo sát thực tế, tọa đàm tại các làng nghề của Hà Nội. Chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình truyền thông Những cống hiến thầm lặng năm 2024.

Tại xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hoà) trung bình có khoảng 170 hộ gia đình thu gom phế liệu. Những hộ này thu rác nhưng lại là nơi xả rác ra môi trường. 

Đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất cho biết, xã ghi nhận trung bình có khoảng 170 hộ gia đình làm công việc thu gom phế liệu về để phân loại. Những rác thải, phế liệu nhựa không tái chế được, người dân sẽ phân loại riêng và gom ra bãi trung chuyển, những xưởng nghiền ép trong thôn để phục vụ cho mục đích phân loại những rác thải nhựa. UBND xã cũng phối hợp với công ty môi trường thu gom phế liệu, rác thải; đồng thời giao các tổ tự quản, các hộ tham gia di chuyển rác không tái chế được về nơi thu gom.

Để xây dựng định hướng lâu dài cho công tác bảo vệ môi trường tại huyện Ứng Hòa nói chung và xã Quảng Phú Cầu nói riêng, xã đã xây dựng các phương án giảm thiểu tối đa tình trạng gây ô nhiễm môi trường như tuyên truyền về quy định bảo vệ môi trường trong Nhân dân, xử phạt nghiêm đối với các hành vi đốt rác, xả thải rác không đúng quy định.

“Cùng đó, xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng công an khu vực và các đơn vị doanh nghiệp xử lý rác thải trên địa bàn thực hiện, chấp hành đúng các quy chế, quy định; đề xuất với UBND huyện Ứng Hòa các giải pháp giữ gìn môi trường trong xã” – Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất chia sẻ.

Nhấn mạnh làng nghề là văn hoá, gắn với mưu sinh của người dân, không thể bỏ được, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay, thông qua làng nghề, chúng ta có thể hiểu được phần nào về truyền thống, văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển làng nghề như thế nào để gắn với bảo vệ môi trường là bài toán cần phải giải quyết. Trong đó, cần có giải pháp, khu trú lại, quy hoạch, tập trung rác thải, phế liệu lại để xử lý; đồng thời, tăng cường tuyên truyền người dân để tự bảo vệ mình.

“Hiện nay, cơ chế chính sách phát triển làng nghề gắn với bảo môi trường là chưa đủ. Bên cạnh đó, nguồn lực của Nhà nước dành cho vấn đề này chưa bảo đảm. Do đó, cần phải xã hội hóa nguồn lực giúp các làng nghề hạn chế ô nhiễm. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý để hài hoà lợi ích, tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Trong đó, phải có các đầu tư nguồn lực, có các giải pháp công nghệ để thu gom, xử lý rác thải, nước thải tại các làng nghề nhằm hạn chế ô nhiễm” – PGS.TS Bùi Thị An nêu quan điểm.

Trong khi đó, theo bà Hà Thị Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, vai trò của người dân, các chủ thể hết sức quan trọng trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường. Về vấn đề môi trường trong các làng nghề, đối với các hộ, nếu mà đưa họ vào trong cụm công nghiệp làng nghề, chưa chắc họ muốn đi, vậy làm sao quản lý? 

“Đối với các làng nghề, một trong những vấn đề quan trọng là phải chuyên môn hóa, những phần nào liên quan đến môi trường phải tập trung xử lý từ khâu quy hoạch. Ngoài ra, phải có vai trò cơ chế chính sách, trợ giúp như thế nào, khi cơ chế chính sách của nhà nước đưa vào sẽ tạo cú huých. Và khi người dân thấy có các mô hình điển hình, họ sẽ theo, không cần ép buộc” – bà Hà Thị Vinh chia sẻ.

Nguồn: kinhtedothi.vn