Đồng Tháp nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Phát triển nông nghiệp hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu là xu hướng tất yếu trong sản xuất. Những năm trở lại đây, tại tỉnh Đồng Tháp đã triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho hiệu quả kinh tế vượt trội

Trong bối cảnh nền nông nghiệp truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức từ ô nhiễm môi trường đến biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ được xem là một trong những giải pháp sản xuất bền vững cho nông dân tỉnh nhà. Với những lợi ích mang lại về môi trường, sức khỏe và kinh tế, nông nghiệp hữu cơ vừa giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên vừa mở ra cơ hội phát triển mới cho người dân.

Tại Đồng Tháp, đất canh tác chủ yếu là đất phù sa và đất bãi bồi, việc sử dụng phân bón hữu cơ và các phương pháp canh tác bền vững giúp tăng cường độ màu mỡ của đất, làm giảm xói mòn và cải thiện khả năng giữ nước. Điều này không chỉ bảo vệ tài nguyên đất mà còn giúp giảm thiểu sự ô nhiễm nguồn nước. 

Bên cạnh đó, nền nông nghiệp hữu cơ khuyến khích sự phát triển của các loài sinh vật có lợi, thúc đẩy sự cân bằng sinh thái, bảo vệ các loài thực vật và động vật bản địa; giúp duy trì hệ sinh thái nông nghiệp bền vững và ổn định hơn, mang lại lợi ích về môi trường và sức khỏe, tạo ra cơ hội kinh tế mới cho nông dân Đồng Tháp. Đồng Tháp được xem là địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ, việc áp dụng chứng nhận hữu cơ không chỉ giúp nông dân đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế mà còn mở ra cơ hội trong việc tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.

Trong những năm qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp) phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp tổ chức nhiều hội nghị phổ biến kiến thức về vai trò của phân hữu cơ đối với cây trồng tại các huyện: Hồng Ngự, Lấp Vò, Tháp Mười nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Mô hình trồng rau hữu cơ được nhân rộng triển khai tại TP. Cao Lãnh. 

Thực hiện nhân rộng mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất”, các huyện Thanh Bình, Tân Hồng, Tam Nông và Tháp Mười vận động hội viên, nông dân xây dựng 108 mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã thực hiện dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức Seed to Table, Nhật Bản hỗ trợ. Dự án đã thành lập được 9 nhóm sản xuất có 24 hộ tham gia với 5,3 ha trồng rau sử dụng phân bón hữu cơ. Sản phẩm rau đã được các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với giá bao tiêu từ 20.000 – 50.000 đồng/kg; cao hơn so với sản xuất thông thường từ 2-7 lần.

Thời gian qua trên địa bàn huyện Châu Thành, trồng nhãn theo hướng hữu cơ được đẩy mạnh triển khai. Hội Nông dân xã An Nhơn cho biết: Người trồng nhãn trước đây đa số chỉ bón phân vô cơ, nên năng suất và chất lượng không cao, chỉ đạt 15-20 tấn/ha, giá thu mua lại thấp.  Từ khi chuyển qua trồng theo hướng hữu cơ, năng suất nhãn tăng đến 30 tấn/ha, diện tích trồng nhãn hữu cơ, nông dân lãi hơn 600 triệu đồng/ha.

Mô hình “Tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất” được Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện. Trong đó, xã An Nhơn, huyện Châu Thành có 32 hộ tham gia mô hình đều thực hiện có hiệu quả, trong đó những hộ có nhu cầu sử dụng phân bón cho cây trồng lớn có thể ủ từ 3 – 5 tấn nguyên liệu/năm để cho ra trên 1 tấn phân bón hữu cơ từ lượng phụ phẩm, các nguyên liệu thường dùng như: ốc, cá, lục bình, rau, củ, quả….

Về hiệu quả của mô hình, đối với cây ăn trái bón phân hữu cơ có thể giảm hơn 60% chi phí nhờ giảm lượng phân bón vô cơ. Ngoài ra, việc sử dụng phân hữu cơ cho cây còn giúp cải tạo đất, phục hồi cây lão hóa, tăng năng suất, trái to, đẹp và có thể kéo dài thời gian bảo quản trái trên cây thêm 15 ngày. 

Hiện nay, ở xã Mỹ Tân, TP. Cao Lãnh có cả trăm nhà vườn trồng xoài theo hướng hữu cơ. Làm nông nghiệp hữu cơ, mỗi ký xoài cát Hòa Lộc lợi được 1.000 đồng so với dùng phân, thuốc hóa học. Để thu hoạch được 1kg xoài, chi phí bỏ ra 11.000 đồng, còn nếu trồng theo hướng hữu cơ, chi phí là 10.000 đồng. 

Ngoài ra, mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn được thực hiện tại Hợp tác xã Phú Thọ, huyện Tam Nông với diện tích 14 ha, có 10 thành viên tham gia cũng cho thấy hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sau khi thu hoạch các thành viên thu lại lượng rơm trên đồng để sản xuất nấm rơm; phần rơm, rạ còn lại được xử lý bằng chế phẩm Trichoderma spp để phân hủy nhanh, trả lại dinh dưỡng cho đất và hạn chế ô nhiễm môi trường. Đối với rơm sau khi sản xuất nấm được tái sử dụng để làm nguyên liệu ủ phân hữu cơ truyền thống, sau đó bón trở lại cho lúa, hoa màu, cây ăn trái. 

Trồng xoài theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh cũng còn những hạn chế: Nguồn nhân lực đã qua đào tạo, am hiểu để trực tiếp tham gia chuyển giao, tập huấn, hướng dẫn cho nông dân còn thiếu. Các mô hình hữu cơ chỉ sử dụng phân hữu cơ, chủ yếu quản lý dịch hại bằng các biện pháp thủ công, sinh học tốn nhiều công lao động, dẫn đến chi phí sản xuất gia tăng…

Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tạo sự chuyển biến trong nhận thức cho người sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái nông nghiệp. 

Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu thực hiện 9 mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên các đối tượng cây trồng, thủy sản chủ lực và tiềm năng của tỉnh; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 1% (khoảng 1.300ha) tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực (lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, hoa kiểng). Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 75ha trên các loài thủy sản chủ lực của tỉnh, có giá trị kinh tế (tôm càng xanh, cá sặc rằn, ếch…).

Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu có diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 1,5% (khoảng 3.298ha) tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 365ha trên các loài thủy sản chủ lực của tỉnh, có giá trị kinh tế. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5 – 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ…

Để đạt được những mục tiêu đề ra, UBND tỉnh định hướng các ngành, địa phương tập trung quy hoạch xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung. Căn cứ quy hoạch nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và lợi thế về điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh và thị trường tiêu thụ để xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ lực. Trên cơ sở đó, tiến hành đánh giá đất đai, nguồn nước… để xác định, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung; xây dựng hệ thống phân phối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất hữu cơ tập trung; ưu tiên kết hợp với du lịch, nông nghiệp sinh thái.

Bên cạnh đó, tập trung quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, tăng cường quản lý giống cây trồng và thủy sản hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào được sử dụng trong sản xuất hữu cơ như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thủy sản, chất bảo quản, chất phụ gia… Đồng thời thực hiện việc giám sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ và chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo quy định để đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn được chứng nhận khi lưu thông trên thị trường…/.

Nguồn: Lê Hoàng – thiennhienmoitruong.vn