Ngành trồng trọt vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Long An nói riêng, đang đối mặt với nhiều thách thức. Để thích ứng hiệu quả, các địa phương trong vùng đang triển khai nhiều giải pháp, nhất là về công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất để ngành trồng trọt phát triển bền vững…
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất nước với tổng diện tích gieo trồng 3 vụ trong năm ước khoảng 3,8 triệu héc-ta, sản lượng ước hơn 24 triệu tấn/năm.
Cùng với đó, diện tích cây ăn trái hơn 404 nghìn héc-ta, chiếm khoảng 33% tổng diện tích cây ăn trái cả nước, sản lượng hơn 5,78 triệu tấn/năm với nhiều chủng loại đặc sản như sầu riêng, xoài, thanh long, dứa, chôm chôm, bưởi da xanh… Bảy tháng đầu năm 2024, sản phẩm trồng trọt ở Đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước đạt hơn 34 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành trồng trọt ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, đất bị nhiễm mặn; nguồn nước cung ứng cho cây trồng theo khung thời vụ còn nhiều bất cập và xu hướng tiêu dùng, các điều kiện xuất khẩu theo tiêu chuẩn chất lượng…
Thực tế tại Long An, từ tháng 1 đến tháng 5 hằng năm, độ mặn 4 gam/lít xâm nhập sâu trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây khoảng 100 đến 130 km làm cho hàng nghìn héc-ta lúa và cây ăn trái thiếu nước tưới. Để ứng phó, ngoài giải pháp công trình ngăn mặn, trữ ngọt, việc nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát xâm nhập mặn cho nông dân luôn được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai quyết liệt. Cùng với đó, khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng vùng chuyên canh theo xu hướng tiêu dùng và cấp mã số vùng trồng phù hợp các điều kiện xuất khẩu…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho biết, Long An có khoảng 310.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, cây rau màu khoảng 10.000 ha; thanh long khoảng 8.000 ha; cây chanh khoảng 11.500 ha còn lại là đất trồng lúa 2 đến 3 vụ/năm. Long An luôn xác định nông nghiệp là “trụ đỡ” trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nên đã triển khai mạnh mẽ chương trình “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Qua ba năm thực hiện đã tạo được bước đột phá rất tốt trong sản xuất nông nghiệp, tạo chuyển biến rõ hơn trong nhận thức của người dân, góp phần thay đổi tập quán canh tác. Quan trọng hơn, đã đa dạng chủng loại cây trồng, nhất là các loại có giá trị kinh tế cao, thích ứng được với hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước tưới; nông sản có chất lượng hơn, được thị trường chấp nhận.
Tính đến hết tháng 8, Long An đã có 60.000 ha lúa, 2.000 ha rau, 6.000 ha thanh long, 3.000 ha chanh ứng dụng công nghệ cao; có 6 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nông dân đã xây dựng 294 vùng trồng được cấp mã số cho cây thanh long, sầu riêng, chuối, dưa lưới, chanh, bưởi da xanh… với diện tích hơn 14.000 ha. Toàn tỉnh có 161 cơ sở đóng gói chuối, chanh, thanh long, lúa gạo,… được cấp mã số để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Australia, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,…
Tỉnh Long An đang đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; ứng dụng khoa học-công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua giá trị gia tăng của các sản phẩm trồng trọt. Thực hiện tốt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Tổ chức lại sản xuất, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, phát triển các cây trồng mới có triển vọng thích ứng với biến đổi khí hậu như: Dược liệu, cây cảnh và vùng cây ăn quả chuyên canh ở Đồng Tháp Mười phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Tập trung thực hiện chuyển đổi số trong trồng trọt, nhất là ứng dụng phần mềm để quản lý sản xuất trồng trọt từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm minh bạch thông tin sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường; ứng dụng công nghệ số để quản lý và phân phối nước trong canh tác lúa tiên tiến, tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính.
Thực tế hiện nay đặt ra với vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Long An nói riêng, cần tiếp tục có nhiều giải pháp hữu hiệu hơn về phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu để ngành trồng trọt phát triển bền vững hơn trong thời gian tới…
Nguồn: Thanh Phong – nhandan.vn