Những năm qua, ngành trồng trọt đã và đang khẳng định được vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng quốc gia cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Trồng trọt trở thành lĩnh vực sản xuất chủ lực của ngành nông nghiệp với nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao giúp gia tăng giá trị xuất khẩu.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian qua, việc nhất quán quan điểm chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã được bộ, các địa phương và nhân dân thực hiện, góp phần giúp sản xuất ngày càng hiệu quả, các sản phẩm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, quan điểm này cũng giúp sản xuất nông nghiệp chuyển đổi theo hướng khai thác đa tầng, đa giá trị phù hợp với lợi thế vùng miền. Bên cạnh đó, nhiều tiến bộ kỹ thuật, giống mới, quy trình canh tác hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu được công nhận và đưa vào sản xuất, góp phần kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế; đồng thời chuyển đổi một phần diện tích cây trồng ở vùng không có lợi thế sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn, nhất là đất trồng lúa.
Nhiều địa phương tập trung mở rộng sản xuất theo quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, hữu cơ, thân thiện với môi trường, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Kết quả tích cực từ quá trình trên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…
Qua thống kê, năm 2023, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt đạt 3%, trong đó cây hằng năm tăng 2,22%, cây lâu năm tăng 4,26%; giá trị sản xuất trồng trọt chiếm 63% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt 26 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2022, trong đó có năm sản phẩm xuất khẩu hơn hai tỷ USD như: Gạo, cà-phê, điều, rau quả, cao su; giá trị sản lượng trên một héc-ta đất trồng bình quân đạt 125 triệu đồng.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng thời gian qua đang đối mặt với những khó khăn, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh gây hại trên cây trồng, ảnh hưởng năng suất, chất lượng cây trồng; giá vật tư đầu vào có nhiều thời điểm tăng cao khiến tăng chi phí sản xuất, giảm thu nhập cho bà con nông dân.
Mặt khác, việc liên kết sản xuất giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế; nhiều nơi nông dân sản xuất không theo quy hoạch và khuyến cáo cũng như trồng theo phong trào, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu sản phẩm…
Ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1748/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Chiến lược với những quan điểm, mục tiêu, định hướng cụ thể được kỳ vọng sẽ là động lực để đưa ngành trồng trọt gặt hái thêm nhiều thành công trong tương lai.
Mục tiêu chung của chiến lược nhằm phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, vững chắc an ninh lương thực quốc gia và các nhu cầu khác của nền kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống có hiệu quả thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân, góp phần ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân từ 2,2-2,5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bình quân 8-10%/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30-35%; giá trị sản phẩm bình quân trên một héc-ta đất trồng trọt đạt 150-160 triệu đồng.
Định hướng phát triển một số cây trồng chủ lực, trong đó cây lúa giữ ổn định diện tích 3,56 triệu héc-ta; phát triển cà-phê đặc sản đến năm 2030 là 11.500 ha, sản lượng khoảng 5.000 tấn… Phấn đấu đến năm 2050, trồng trọt trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới. Các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Vương Đắc Hùng cho biết: “Tỉnh Hòa Bình có khí hậu, đất đai đặc thù cho nên các sản phẩm của ngành trồng trọt rất đa dạng; giá trị sản phẩm ngành trồng trọt trên địa bàn chiếm tỷ lệ hơn 60% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nhiều sản phẩm chủ lực hiện nay có lợi thế, thương hiệu đang được thị trường ghi nhận; một số sản phẩm đã tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia như: Cây ăn quả có múi, chè, gạo… đang mang lại thu nhập tốt cho người nông dân. Hiện nay, các sản phẩm bưởi đỏ, bưởi Diễn, cam Cao Phong, mía tím của Hòa Bình đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường như: EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… Tỉnh Hòa Bình có chiến lược dài hạn phát triển các loại cây ăn quả có múi, mía tím… bằng việc hướng tới sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học-kỹ thuật và liên kết sản xuất để phát triển bền vững”.
Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng: “Ngành trồng trọt nếu phát triển theo kiểu truyền thống thì nhiều sản phẩm là: Lúa gạo, cà-phê, hồ tiêu về năng suất, sản lượng đã gần như tới hạn. Chính vì vậy, chúng ta không thay đổi về tư duy, tầm nhìn, định hướng, ngành trồng trọt sẽ dừng lại thậm chí đi xuống.
Trước đây chúng ta thường hướng đến năng suất, sản lượng cây trồng nhưng hiện nay vấn đề này không còn phù hợp nữa. Vì vậy, cần có tư duy, nhận thức mới trong phát triển. Chiến lược phát triển trồng trọt được kỳ vọng tạo ra đột phá cho ngành trồng trọt trong bối cảnh mới. Trên cơ sở đó, muốn phát triển ngành trồng trọt, cần sản xuất theo nhu cầu thị trường và khai thác tối đa giá trị, có trách nhiệm với môi trường bằng sản xuất xanh, sạch…”.
Để thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, các bộ, ngành, địa phương cần phát triển sản xuất lúa ở vùng quy hoạch tập trung được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hậu cần logistics; bố trí cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng theo hướng thuận thiên có kiểm soát thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các cụm liên kết gắn với sản xuất, chế biến tiêu thụ rau ở các địa phương, các vùng có sản lượng lớn; phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung bảo đảm truy suất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, các địa phương nên chuyển đổi một phần diện tích cà-phê kém hiệu quả, nhất là những vùng khó khăn nguồn nước tưới sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; đẩy mạnh chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm cà-phê, nhất là chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị và phát triển thương hiệu cà-phê Việt Nam.
Đối với cây hồ tiêu, cần phát triển theo nhu cầu thị trường; giảm một phần diện tích trồng không phù hợp, diện tích già cỗi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn…; đồng thời, phát triển trồng trọt theo hướng tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường; giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội, chuyển giao các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng của thị trường; phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại; phát triển thị trường trong và ngoài nước bảo đảm ổn định và nâng cao giá trị cho các sản phẩm trồng trọt…
Nguồn: Bảo Hân – nhandan.vn