Tăng cường phối hợp bảo vệ và phát triển rừng

Thời gian vừa qua, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh thành phố giáp ranh đã thường xuyên và tăng cường công tác phối hợp để quản lý, bảo vệ cũng như phát triển, sử dụng rừng…

Thời gian qua Hà Nội và các tỉnh thành đã tăng cường phối hợp trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Nguyễn Tiến Lâm, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin về phòng cháy chữa cháy rừng; trao đổi thông tin vào những thời điểm “nhạy cảm” của thời tiết lúc hanh khô kéo dài, cấp cảnh báo cháy rừng từ cấp 4, cấp 5 để kịp thời ứng phó. Bên cạnh đó là kịp thời thông tin cháy rừng ở khu vực giáp ranh, tổ chức huy động lực lượng ứng phó, hỗ trợ tham gia chữa cháy ngay cả khi cháy rừng chưa lan sang các khu vực thuộc địa bàn quản lý.

Như vào cuối năm ngoái, lúc 10 giờ ngày 31/12/2023 đã xảy ra vụ cháy rừng trên địa bàn giáp ranh xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và cháy lan sang địa bàn xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hạt Kiểm lâm số 4 thuộc Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã kịp thời trao đổi thông tin với Hạt Kiểm lâm Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; đồng thời tham mưu cho UBND huyện Sóc Sơn tổ chức huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ, máy móc tham gia chữa cháy rừng. Đến 17 giờ cùng ngày thì đám cháy được dập tắt kịp thời, lực lượng và phương tiện tham gia chữa cháy an toàn.

Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát, các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng của các tỉnh giáp ranh đã phối hợp, chia sẻ thông tin về đối tượng vi phạm, các tuyến giao thông thường xuyên vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Điển hình như Hạt Kiểm lâm Tân Việt Hòa thuộc (Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang) thường xuyên trao đổi thông tin với Hạt Kiểm lâm số 4 (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) về tình hình mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Ngoài ra đã phối hợp trao đổi thông tin, kiếm tra, lập biên bản 3 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách nhà nước 7,85 triệu đồng; phối hợp tiếp nhận 4 cá thể động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (gồm 2 cá thể khi đuôi lợn, 1 cá thể cá sấu nước ngọt; 1 cá thể cu li nhỏ) hoàn thiện thủ tục thả về môi trường tự nhiên và bàn giao về Sở thú, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, hàng năm Hạt Kiểm lâm Lương Sơn và Hạt Kiểm lâm số 8 chủ động tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng cho nhân dân trên địa bàn các xã giáp ranh; vận động người dân, các chủ rừng ký cam kết bảo vệ rừng, không xâm canh, xâm cư trái phép; không khai thác trái phép, chặt phá rừng, săn bắn, bẫy bắt động vật rừng và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật tại vùng giáp ranh, tham gia đấu tranh phát hiện, tố giác hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Ngoài ra, thực hiện Quyết định của UBND TP. Hà Nội về bảo vệ, bảo tồn các loài động thực vật hoang dã có nguồn gen quý hiếm, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hòa Bình, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hà Nam tăng cường công tác tuyên truyền, bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung, loài Voọc mông trắng nói riêng tại khu vực giáp ranh thuộc khu rừng đặc dụng Hương Sơn.

Mặc dù đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong công tác bảo vệ rừng nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn do lực lượng Kiểm lâm địa bàn của các Hạt Kiểm lâm vùng giáp ranh còn mỏng; phương tiện, kinh phí hỗ trợ cho công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng vùng giáp ranh đối với lực lượng Kiểm lâm chưa đáp ứng tình hình thực tế; tình trạng mua bán, chuyển nhượng rừng và đất lâm nghiệp khu vực giáp ranh chưa tuân thủ theo quy định;… Đáng chú ý là toàn bộ diện tích rừng giáp ranh của Thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) và thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) đều là rừng sản xuất, việc khai thác trắng đốt dọn thực bì trồng rừng mới tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy lan vùng rừng giáp ranh.

Vì vậy, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và các tỉnh thống nhất tham mưu chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư xây dựng các công trình phòng cháy tại các khu vực giáp ranh. Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ, phần mềm trong quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, chia sẻ kinh nghiệm quản lý qua vệ tinh và các ứng dụng khác để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ cháy rừng. Chú trọng phối hợp với vườn quốc gia Ba Vì để kiểm tra, xác minh, giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến việc có nhiều hộ dân vẫn canh tác, trồng hoa màu trong khu vực đất quy hoạch cho Vườn Quốc gia mở rộng.

Trong thời gian tới, Chi cụ Kiểm lâm Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở NN&PTNT giải pháp quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng hiệu quả. Đồng thời rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; xác định rõ ranh giới 3 loại rừng cả trên bản đồ và ngoài thực địa để thuận lợi cho phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Nguồn: Thiện Tâm – thanglong.chinhphu.vn