Chuyển đổi xanh: Hướng đi bền vững của ngành thủy sản

Ngành thủy sản hiện chiếm 28,7% tổng giá trị toàn ngành nông lâm ngư nghiệp, song cũng là ngành sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường. Vì vậy, chuyển đổi xanh và sản xuất tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính trong ngành thủy sản là xu hướng tất yếu…

Nuôi trồng thuỷ sản phải chú trọng bảo vệ môi trường, giảm phát thải.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết tới đây, thị trường nhập khẩu sẽ đánh nhãn xanh, nhãn vàng, nhãn đỏ và thêm phúc lợi động vật thủy sản. Đây sẽ là những thách thức mà ngành thủy sản Việt Nam sẽ phải đối mặt.

Xác định thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn với tốc độ tăng trưởng nhanh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 phê duyệt Đề án “Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030” (Đề án 911) nhằm mục tiêu kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản.

MỘT SỐ MÔ HÌNH PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Mặc dù Đề án đã được ban hành hơn 2 năm qua, song tại “Hội nghị bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản năm 2024” do Cục Thủy sản phối hợp với Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức mới đây, ông Tạ Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y thành phố Hà Nội, cho hay nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Thủ đô chủ yếu là nhỏ lẻ (khoảng 16.562 hộ) nên tình trạng ô nhiễm môi trường chưa thể giải quyết được triệt để. Trong khi đó, hiện chưa có các cơ chế chính sách thúc đẩy các hoạt động thu gom, xử lý chất thải tại các vùng nuôi. Việc kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hóa chưa thực sự hiệu quả; chưa thu hút được các nhà đầu tư, đặc biệt là xây dựng các trạm trung chuyển chất thải theo quy hoạch.

Thông tin về kết quả nghiên cứu hiện trạng ô nhiễm và công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề chế biến hải sản, TS. Nguyễn Công Thành, Viện nghiên cứu Hải sản, cho biết môi trường nước mặt và nước ngầm nhiễm hàm lượng PO43-, NH4+, N-NO3-… vượt giới hạn cho phép rất phổ biến.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý bảo vệ môi trường, Viện Nghiên cứu hải sản đã xây dựng mô hình quản lý tổng hợp môi trường đối với làng nghề chế biến hải sản. Trong số những làng nghề truyền thống được điều tra, Viện đã lựa chọn 3 làng nghề để triển khai mô hình, gồm: Làng nghề chế biến hải sản khô xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; Làng nghề chế biến nước mắm xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế; Làng nghề chế biến hải sản tổng hợp phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Kết quả, mô hình đã giúp giảm 85 – 98% lượng chất thải, nước thải tại các làng nghề này. Viện Nghiên cứu hải sản cũng đã xây dựng được Sổ tay hướng dẫn quản lý bảo vệ môi trường tại làng nghề.

Tại hội nghị, đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cũng đã chia sẻ một số kết quả của Dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững (i4Ag)” tại Đồng bằng sông Cửu Long do Chính phủ Đức tài trợ thông qua GIZ. Theo đó, các giải pháp Đổi mới sáng tạo của Dự án i4Ag là xây dựng hệ thống nuôi tôm thâm canh tuần hoàn khép kín (RAS). Nhờ đó, đã cho phép tái sử dụng đến 90-95% lượng nước, hệ thống lọc sinh học giúp giảm thiểu chất thải, khí độc, kiểm soát môi trường nuôi trong điều kiện khép kín.

Bên cạnh đó, giải pháp nuôi quảng canh là mô hình nuôi tôm-rừng cải tiến, đã giúp quản lý chất lượng nước dựa trên chế độ thủy triều…

Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học đã giảm thiểu sự lây lan mầm bệnh, giúp tôm ít bị bệnh, tỷ lệ chết thấp và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Từ thực tế của địa phương, đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang đã chia sẻ những kinh nghiệm chuyển đổi phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng xanh, bền vững. Đó là, các mô hình tôm-rừng kết hợp, nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc, hóa chất, giảm được giá thành và góp phần tích cực vào việc bảo vệ, phát triển rừng. Hiện nay, sản phẩm được nhiều thị trường ưa chuộng và đánh giá cao. Mô hình nuôi cá – lúa, tôm – lúa có thể tận dụng thức ăn dư thừa từ lúa, trong khi phân cá, tôm sẽ thay thế cho phân bón lúa, giúp cây lúa đạt sản lượng cao hơn so với trồng 2 vụ thông thường.

CHUYỂN DỊCH THEO HƯỚNG XANH

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định chuyển dịch theo hướng xanh, sản xuất tuần hoàn là xu thế của nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản nhằm đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi từ quy định, luật lệ, tiêu chuẩn về môi trường.

Tuy nhiên, việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh không phải ngay lập tức giúp doanh nghiệp đạt được hiệu suất tài chính tốt, mà cần thời gian để doanh nghiệp tạo dựng và phát triển được lợi thế cạnh tranh. Khi doanh nghiệp đã đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu thì lúc đó doanh nghiệp mới đạt được hiệu suất tài chính.

Xu hướng nuôi trồng và chế biển thủy sản giảm phát thải khí nhà kính, đang giúp các doanh nghiệp đảm bảo các chỉ tiêu môi trường phù hợp các chứng nhận quốc tế. Nhiều công ty thủy sản lớn như: Skretting Việt Nam, De Heus, Minh Phú, Thăng Long, Việt Nam Food (VNF)… đang đầu tư nghiên cứu và phát triển hướng tới nuôi trồng thủy sản giảm phát thải ròng.

Trong lĩnh vực nuôi tôm, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm theo hướng tuần hoàn để tối ưu hóa đầu vào và đầu ra. Điều này được thực hiện thông qua một số giải pháp như sử dụng năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, biogas) để giảm chi phí năng lượng. Ứng dụng công nghệ nuôi tuần hoàn khép kín biofloc, biogas giúp tái sử dụng trực tiếp các dinh dưỡng từ chất thải và thức ăn dư thừa, giảm chi phí thức ăn và giảm chi phí xử lý nước thải. Trong lĩnh vực nuôi biển, công nghệ nuôi tuần hoàn khép kín: biogas – aquaponics, rong biển – cá – biogas/rừng ngập mặn giúp giảm thiểu rủi ro lây lan bệnh, tạo thêm nguồn thu từ cá và rong biển, giảm chi phí xử lý nước thải, hấp thu carbon…

Bên cạnh những xu hướng và mô hình nêu trên, việc chế biến phế, phụ phẩm và chất thải của ngành thủy sản cũng rất quan trọng, không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn giúp bảo vệ môi trường. Theo số liệu của Cục Thủy sản, hàng năm ngành thủy sản cung cấp khoảng 4,5-5 triệu tấn nguyên liệu cho chế biến thủy sản, kim ngạch xuất khẩu đạt 9-10 tỷ USD.

TẬN DỤNG PHẾ, PHỤ PHẨM ĐỂ SẢN XUẤT SẢN PHẨM GIÁ TRỊ CAO

Trong chế biến thủy sản, phế, phụ phẩm chiếm 15-20%, với tổng khối lượng ước 1 triệu tấn/năm. Chế biến phi lê cá tra thì có tới 60-70% là phụ phẩm; tôm phụ phẩm chiếm 35-45%. Hiện nay, 90% phụ phẩm chế biến thủy sản đã được thu gom, chế biến thành các sản phẩm hữu ích, có giá trị phục vụ cho sản xuất thức ăn gia súc.

Nước ta đang có khoảng 30 – 40 doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư vào chế biến bột cá từ phụ phẩm đầu cá và xương cá. Một số doanh nghiệp đã đầu tư vào việc chế biến sâu như tách chiết collagen từ da cá, Chitosan, Chitin… từ phụ phẩm chế biến tôm là những sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, ông Luân cho rằng hiệu quả kinh tế trong chế biến phụ phẩm của doanh nghiệp Việt Nam so với trên thế giới chưa cao. Phần lớn phế, phụ phẩm chỉ để sản xuất ra thức ăn chăn nuôi, phân bón hoặc các sản phẩm giá bán thấp…

Nguồn: Chương Phượng – vneconomy.vn