Bảo vệ môi trường làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tính độc đáo làng nghề, các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng khu vực nông thôn đang là hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường, phát triển bền vững của du lịch nông thôn ở Quảng Nam.
Quảng Nam hiện có khoảng 45 làng có nghề trong đó có 34 nghề truyền thống, làng nghề, và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Nhiều làng nghề truyền thống đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng như làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rừng dừa Cẩm Thanh (Hội An), làng đúc đồng Phước Kiều, mộc Đông Khương (Điện Bàn), các làng nghề đan lát, dệt thổ cẩm ở các huyện miền núi Quảng Nam,…
Bảo vệ môi trường làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn
Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn năm 2024 của tỉnh Quảng Nam đặt ra 8 nội dung trọng tâm thực hiện, trong đó nhấn mạnh tập trung vào công tác bảo vệ môi trường làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề theo hướng bền vững, phù hợp với nhu cầu thị trường, trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tính độc đáo làng nghề, các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng khu vực nông thôn.
Ưu tiên đầu tư xây dựng, phát triển cảnh quan nông thôn gắn với các điểm du lịch, khu du lịch sinh thái, phát huy lợi thế từng địa phương đảm bảo xanh, sạch, đẹp, thân thiện và hài hòa với thiên nhiên.
Lưu ý tổ chức khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các làng nghề và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề.
Nhận thức về bảo vệ môi trường tại làng nghề ngày càng nâng cao khi Quảng Nam tiến tới xây dựng, phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch.
Nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất ở các làng nghề là điểm đến du lịch thu hút du khách như gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng ở Hội An, gốm nung, mộc mỹ nghệ ở Điện Bàn đã có nhiều sáng kiến trong công tác bảo vệ môi trường. Hầu hết các cơ sở đều có đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường; có quy trình xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn theo quy định,…
Chẳng hạn như sử dụng túi giấy gói sản phẩm bán cho khách hàng, hạn chế rác thải ny lông, cải tiến lò đốt nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sản xuất, chế biến sản phẩm thuận tự nhiên, hữu cơ để bảo đảm sức khỏe cho cả người trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng.
“Bảo vệ môi trường làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề sẽ tạo động lực, khuyến khích ý thức bảo vệ môi trường của người dân làng nghề, là hướng đi bền vững để phát triển du lịch nông thôn, tăng thu nhập cho người dân”, ông Lê Văn Nhật- một chủ lò gốm ở Thanh Hà chia sẻ.
Du lịch nông thôn xanh- hướng đi bền vững của Quảng Nam
Nghị quyết số 13 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển thương mại, du lịch Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 xác định tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp giá trị làng nghề truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn du lịch sinh thái… theo hướng du lịch xanh, bền vững.
Khai thác du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thiên nhiên, làng quê, làng nghề của cộng đồng địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành hỗ trợ đầu tư và đưa vào khai thác các điểm du lịch cộng đồng đảm bảo theo hướng du lịch xanh,…
Du lịch xanh dần được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, đầu tư với những sản phẩm du lịch, dịch vụ hấp dẫn hướng đến nhiều phân khúc khách, nhất là đối tượng trẻ em.
Tại Khách sạn Silk Sense Hội An, để thực hiện kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa, doanh nghiệp này xây dựng chương trình hoạt động miễn phí hàng ngày dành cho du khách, trẻ em nhằm lan tỏa ý thức về bảo vệ môi trường như: Trải nghiệm làm nông dân, gấp lá dừa truyền thống, dự án Green Cups kéo dài thời gian sử dụng của ly nhựa dùng một lần bằng cách trồng rau và cây xanh vào các ly đã qua sử dụng, giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, trồng rau và ươm cây giống, phân phát miễn phí cho cộng đồng địa phương.
Năm 2021, Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch về phát triển du lịch xanh đến năm 2025 cùng Bộ Tiêu chí du lịch xanh (có sự hỗ trợ của Dự án phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam của Thụy Sỹ-SSTP) để chính quyền, doanh nghiệp ngành du lịch, cộng đồng cùng nhìn lại, định hướng, tìm ra những hướng đi thích hợp.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam, chia sẻ: Thay đổi để phát triển du lịch xanh là lựa chọn tất yếu. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam đã chọn mục tiêu theo từng giai đoạn, từ “du lịch không rác thải nhựa” đến xây dựng sản phẩm sáng tạo trên nền tảng văn hóa- giá trị truyển thống, nền tảng nông nghiệp thuận nhiên và đến du lịch chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và “dấu chân sinh thái”.
“Nhiều doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam đã hiện thực hóa ý tưởng du lịch xanh vào thực tế sinh động, hiện hữu. Sáng tạo những tour “xanh” kết hợp môi trường- trồng trọt thuận nhiên theo mô hình tuần hoàn, trải nghiệm giá trị truyền thống; thiết kế sản phẩm du lịch nương tựa vào nền tảng nông nghiệp thuận nhiên hay mang lại giá trị phục vụ từ chất liệu của nghề thủ công- văn hóa truyền thống; hoặc cung cấp một “bữa ăn không rác thải”… Những hiện hữu đó góp phần mặc định cho một thương hiệu “điểm đến xanh” trong du lịch Quảng Nam”, ông Thanh chia sẻ.
Nguồn: bvhttdl.gov.vn